Từ tối ngày 27/3 đến nay trên mạng xã hội đã rộ lên các tin đồn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FLC, cho rằng ông này đã bắt tạm giam để điều tra một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Tin xấu về ông Trịnh Xuân Quyết đã gây tác động lớn đến thị trường chứng khoán.

Cụ thể, đến khoảng 10 giờ sáng hôm nay, nhóm cổ phiếu FLC vẫn trong tình trạng trắng bên mua, tương tự đợt bán tháo hồi giữa tháng 1. Trong đó, thanh khoản FLC đạt hơn 3,7 triệu đơn vị tính tới 9h50, KLF giao dịch hơn 5 triệu cổ phiếu, ROS giao dịch hơn 3,27 triệu đơn vị.

Trước đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến tập đoàn FLC và ông Trịnh Xuân Quyết như FLC, ROS, KLF, AMD, HAI, ART đã bị bán kịch sàn ngay từ khi thị trường mở cửa lúc 9 giờ sáng hôm nay. Trong đó, mã FLC bị bán giá sàn lên tới hơn 60 triệu cổ phiếu, mã ROS cũng bị bán sàn với số lượng tương tự, các mã còn lại cũng bị bán giá sàn với khối lượng hàng chục triệu đơn vị. Trong khi đó, lượng nhà đầu tư đặt mua có số lượng rất ít.

Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với khối lượng dư bán sàn. Theo đó, FLC dư bán gần 63 triệu cổ phiếu, ROS bán sàn hơn 56 triệu đơn vị, KLF và AMD ghi nhận hơn 10 triệu cổ phiếu chờ bán giá sàn.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên trưa nay, một lãnh đạo có trách nhiệm từ Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết, thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là thất thiệt, không chính xác. Mặt khác, cơ quan này cũng đã cử người xác minh, truy tìm thông tin cho rằng cơ quan này đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, cơ quan điều tra Bộ Công an đang xác minh một số thông tin từ dư luận báo chí nêu trước đây liên quan các doanh nghiệp và dự án do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập, điều hành.

Ông Trịnh Xuân Quyết.
Ông Trịnh Xuân Quyết.

Trước đó, vào tháng 1/2022, hành vi "bán chui" cổ phiếu của chủ tịch Tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Cụ thể, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao thì ngày 10-1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15-40 triệu cổ phiếu.

Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.

Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.

Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định.

Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết (47 tuổi, quê ở H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện được biết đến là một doanh nhân thành đạt, từng sáng lập và điều hành nhiều doanh nghiệp về bất động sản, du lịch hàng không, luật…

Đến nay, với giá trị cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP tập đoàn FLC, Hãng hàng không Bamboo Airways…, ông Trịnh Văn Quyết có tổng tài sản vốn hoá ước tính hàng chục ngàn tỉ đồng. Năm 2019, ông Quyết từng được xếp hạng giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Ceo hãng hàng không Vietjet.