Chiều 16/9, lãnh đạo bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã phải nói ra những lời đầy chua xót trên khi tham dự buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022 với chủ đề "Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại" do Bộ Y tế tổ chức.

Theo BS Hà, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có 2 nhóm thuốc sử dụng chính là thuốc kháng sinh và thuốc tê. Với thuốc kháng sinh, quan điểm của bệnh viện là hạn chế tối đa, chỉ sử dụng khi cần thiết. Vì thế, trong thời gian qua tại cơ sở không xảy ra tình trạng thiếu thuốc kháng sinh.

Với thuốc tê, ngoài sử dụng thuốc an toàn, nhân viên y tế cũng có nhiệm vụ làm thế nào để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để thay thế loại thuốc đang dùng mà đã hết.

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng việc thay thế này cũng không hề dễ dàng.

TS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội.  Ảnh: plo.vn
TS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Ảnh: plo.vn

Về nguyên nhân thiếu thuốc gây tê, ông Hà dẫn thông tin từ các công ty dược là "giấy phép chưa được gia hạn". Vì thế, không chỉ cơ sở y tế kể cả công lập mà cả tư nhân cũng thiếu. Hiện nay, chỉ có 2-3 hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc gây tê nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó.

"Việc cung ứng thuốc sẽ rất khó khăn nên chúng tôi mong Bộ Y tế sớm có giải pháp tháo gỡ", đại diện Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương nói.

Hiện Bộ Y tế chưa có phản hồi về đề nghị của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đang thiếu thuốc giải độc. Nguyên nhân đây là các thuốc đặc biệt, hiếm, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp. Các bệnh viện cũng không thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng.

Để giải quyết tình trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Lý do số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít nhưng vẫn cần phải có dự trữ thuốc sẵn sàng khi có ca bệnh. Hiện, Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng.

Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch hai năm qua, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế gian nan cũng tác động lớn đến nguồn cung thuốc.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hôm 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh/thành bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

“Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài", Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh nếu việc mua sắm “đủng đỉnh” thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút.