Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 59,64 điểm (4,49%) còn 1.269,62 điểm, HNX-Index giảm 20,07 điểm (5,84%) về 323,39 điểm, UPCoM-Index giảm 5,38 điểm (5,28%) xuống 96,5 điểm.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư tháo chạy, sàn HOSE phiên hôm nay ghi nhận 445 mã giảm giá, áp đảo so với 27 mã tăng giá và 12 mã đứng giá tham chiếu. 223 cổ phiếu giảm sàn trên sàn HOSE trong số 356 mã nằm sàn trên toàn thị trường.

Thanh khoản phiên giao dịch hôm nay được nâng lên mức trung bình, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 824,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 21.766 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 18.768 tỷ đồng, tăng 10,4% so với phiên trước đó.

Hoạt động giải ngân của khối ngoại tiếp tục nới rộng sang phiên chiều với việc mua ròng gần 574 tỷ đồng. Trong đó, các mã được mua ròng mạnh nhất là VHM (94 tỷ đồng), HPG (63,8 tỷ đồng), GMD (60,3 tỷ đồng),...

Nhóm ngành kéo thị trường bi quan đi xuống chủ yếu là tài chính và bất động sản.

Ở nhóm ngân hàng, BID, VPB, TCB, CTG, STB, OCB, LPB, MSB giảm kịch biên độ. Các cổ phiếu khác đa phần cũng giảm sâu, "khỏe" nhất có thể kể đến VCB chỉ giảm 1,89%, ACB giảm 1,29%, EIB giảm 0,68%.

Cổ phiếu chứng khoán bi đát hơn hầu hết giảm kịch biên độ, bao gồm: VND, SSI, VCI, HCM, FTS, VIX, TVS, ORS, BSI, AGR, VDS, CTS...

Nhóm bất động sản cũng không chống được vòng xoáy chung khi cổ phiếu la liệt giảm kịch sàn, như BCM, KDH, DIG, DXG, NLG, VCG, ITA, HDG, BCG, DXS, TCH, SCR, HDC, SZC, HBC, KHG, FLC, CII, HHV, HTN, DPG, LDG FCN, IJC, CTD, LCG, ROS... Các cổ phiếu khác đa phần giảm sâu. Riêng bộ đôi cổ phiếu trụ VIC - VHM chống đỡ tốt với mức giảm lần lượt 0,88% và 1,02%.

Nhóm sản xuất cũng chỉ bao trùm bởi màu "xanh lơ" khi đa số giảm kịch sàn, có thể kể đến GVR, DGC, DPM, GEX, VHC, DCM, HSG, SBT, PHR, NKG, HT1, DBC, ANV, IDI, PAN, APH, AAA, FMC, SAM... MSN và VNM tỏ ra có sức đề kháng tốt khi giảm lần lượt 1,79% và 0,28%.

Các cổ phiếu bán lẻ như MWG, PNJ, FRT "lau sàn" cả loạt. Ở nhóm năng lượng, PLX và POW giảm kịch biên độ trong khi GAS giảm 4,46%, PGV giảm 4,92%. Với cổ phiếu hàng không, VJC giảm 3,13% còn HVN ghi nhận sắc "xanh lơ".

Theo nghiên cứu của SSI Research, trong thời gian tới, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu tới thị trường phát triển, sẽ không mấy khả quan khi các rủi ro vẫn được duy trì. Đặc biệt, dòng tiền sẽ tương đối phân hóa, tập trung vào các ngành cố phiếu cơ bản và không bị tác động nhiều từ việc tăng lãi suất như ngân hàng hoặc năng lượng.

Cũng theo SSI Research, báo cáo cũng cho thấy dòng vốn được ghi nhận rút ròng. Cụ thể, dòng tiền vào các tài sản tài chính tiếp tục suy giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Dòng vốn ghi nhận rút ròng ở hầu hết các tài sản chính, từ thị trường cổ phiếu (rút ròng -22,4 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020), đến các quỹ trái phiếu (-29,8 tỷ USD) và quỹ tiền tệ (-37,9 tỷ USD).

Đáng chú ý, dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển đảo chiều sang rút ròng 35,3 tỷ USD, đây là mức rút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 do áp lực từ thị trường Mỹ. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi tăng mạnh, lên mức 12,9 tỷ USD, tăng hơn 90% so với tháng 2 và gấp 3 lần cùng kỳ. Nguyên nhân được SSI đánh giá chủ yếu nhờ định giá hấp dẫn khi mà trong năm 2021, cổ phiếu thị trường mới nổi ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn thị trường phát triển 24,5% trong khi mức này chỉ là 3,5% trong 4 tháng đầu năm nay.

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán – tài chính, thị trường giảm sâu trong thời gian qua và trong phiên đầu tuần ngày 9/5 vẫn là do tâm lý bi quan, chán nản, khiến nhiều cổ phiếu "quay xe" giảm sâu.

Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Huy, nguyên nhân một phần nữa là do những diễn biến tiêu cực từ bên ngoài (lạm phát, FED tăng lãi suất, Ukraine, Trung Quốc với zero Covid… những yếu tố ai cũng biết nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện) và "vùng trũng" thông tin trong nước.

“Có lẽ thị trường trong nước không tìm được cho mình câu chuyện mới đủ lớn để có thể thay đổi được xu hướng hiện tại. Do đó, nhiều khả năng diễn biến tuần sau vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm với thanh khoản thấp. Có thể xuất hiện xen kẽ những phiên hồi khi thị trường quá bán nhưng xu hướng chung trong ngắn hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều”, ông Bùi Văn Huy chia sẻ thêm.

Với câu hỏi đâu là đáy, ông Bùi Văn Huy cho rằng, mặc dù thị trường xuống trong dài hạn nhưng vẫn khó xác định đáy. Bởi giá có thể hãm đà rơi, tạo vùng cân bằng hoặc xuất hiện nhịp hồi, tuy nhiên cũng khó nói chắc chắn thị trường đã tạo đáy hay chưa. Trong khi đó, đáy và đỉnh dài hạn thường rất khó dự đoán nếu chỉ quan sát thị trường cổ phiếu một cách độc lập. Khi quá hưng phấn hoặc bi quan, giá có thể tăng hoặc giảm theo quán tính một cách quá đà.

“Hiện nay, thanh khoản thị trường chỉ còn loanh quanh mức 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, phải nhìn nhận rằng mức thanh khoản hiện tại đang yếu, khó đòi hỏi thị trường sẽ tạo đáy chữ V được. Nếu có tạo đáy, thanh khoản hiện tại ủng hộ kịch bản tạo đáy phẳng để hấp thụ tiếp nguồn cung trên đỉnh hơn. Tôi nghĩ rằng, với dòng tiền thông minh, khi bối cảnh có sự cải thiện và thị trường có nhiều cơ hội, với số lượng đông đảo các nhà đầu tư gia nhập thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện”, ông Bùi Văn Huy nhận định.

Còn theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, xu hướng ngắn hạn, trung hạn của thị trường vẫn xấu. Các nhịp hồi ở đây mang tính chất về kĩ thuật là chủ đạo, tức là ngắn hạn giảm nhưng vẫn xen lẫn đợt hồi ngắn, thị trường khó tạo đáy rồi tăng ngay trong bối cảnh hiện tại. Do đó, các nhà đầu tư bắt đáy đừng quá hi vọng thị trường sẽ đi lên ngay.

Có ý kiến cho rằng, thị trường rơi vào downtrend dài hạn giống như năm 2018. Tuy nhiên, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, không bao giờ có kịch bản y chang như vậy. Trước dịch COVID-19, các tổ chức dự báo suy thoái kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhưng dịch bệnh nổ ra, Fed giảm lãi suất về 0, còn một số các nước như Nhật, Thụy Sĩ còn giảm lãi suất về âm. Với thị trường tài chính, chỉ cần nới lỏng chính sách tiền tệ thì thị trường hồi ngay.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam ít bị ảnh hưởng lớn như các quốc gia khác; bởi việc thắt chặt tiền tệ, lạm phát tại Việt Nam ở mức không quá nghiêm trọng, chính sách vẫn hỗ trợ cho kinh tế, một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất, còn các ngân hàng lớn chưa tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, các nhà đầu tư không nên vội vàng gỡ lỗ.