Thị trường chứng khoán ngày 24/7
Diễn biến thị trường chứng khoán ngày 24/7. Ảnh chụp màn hình

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, VN-Index tăng 4,82 điểm, tương đương 0,41% lên 1.190,72 điểm. Toàn sàn có 301 mã tăng, 154 mã giảm và 71 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,55 điểm, tương đương 0,66% lên 236,53 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 75 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm lên 88,69 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 16 mã tăng giá.

VN30 hôm nay có phần tích cực hơn một chút khi có cho mình mức tăng 6.54 điểm (+0.55%). Toàn nhóm hôm nay có đến 16/30 mã tăng điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là NVL (+6.93%) khi cổ phiếu này đạt được mức tăng trần. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như MWG (+3.81%), PDR (+2.64%) hay VIB (+2.19%). Ở chiều hướng ngược lại, VJC (-1.22%) và GAS (-0.91%) là hai cổ phiếu duy nhất giảm điểm đáng kể trong phiên hôm nay.

Cổ phiếu ngân hàng nghiêng nhiều về sắc xanh, trong đó gây ấn tượng là VPB tăng 2,1%, VIB tăng 2,19%, SHB tăng 3,28%, MSB tăng 2,64%. Số ít cổ phiếu ghi nhận sắc đỏ như VCB, ACB, STB cũng chỉ giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Cổ phiếu phân hóa khi SSI giảm 0,17%, VCI giảm 0,59%, FTS giảm 0,31%, VDS giảm 1,04% nhưng HCM lại tăng 0,16%, VIX tăng 1,79%, TVS tăng kịch trần.

Ở nhóm bất động sản, số mã tăng áp đảo số mã giảm, trong đó nhiều mã tăng rất mạnh như: KDH tăng 4,26%, DXG tăng 2,74%, PDR tăng 2,64%, HHV tăng 3,15%, SJS tăng 2,42%, CRE tăng 3,38%, TCD tăng 4,77%, QCG tăng 3,65%; ITA, VCG và NVL đều tăng kịch trần.

Tâm điểm thị trường là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án "khủng nhất" sân bay Long Thành. Cụ thể, với phe VIETUR, VCG và PHC đều tăng kịch trần 7%; CC1 và HAN tăng kịch trần trên 14%. Với phe Hoa Lư, CTD giảm kịch sàn còn HBC giảm 3,2%.

Nhóm sản xuất phân hóa hơn nhưng sắc xanh vẫn là chủ đạo. Các mã tăng tốt có thể kể đến MSN tăng 1,2%, SAB tăng 1,24%, BMP tăng 1,19%, PHR tăng 1,76%, HT1 tăng 2,05%, IMP tăng 2,7%. Các mã suy giảm tiêu biểu gồm: HPG giảm 0,53%, DHG giảm 4%, DBC giảm 2,5%, TLG giảm 1,16%, DMC giảm 6,2%.

Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ cũng phân hóa: GAS giảm 0,91%, PLX giảm 0,49% nhưng PGV và POW lần lượt có thêm 0,88% và 0,38%; VJC giảm 1,22% trong khi HVN tăng 0,39%; MWG tăng 3,81% còn PNJ và FRT lần lượt mất đi 0,88% và 0,26% giá trị.

Với tín hiệu của phiên giao dịch hôm nay, nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 25/7 như sau:

Theo CTCK Vietcombank (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến Doji tại khu vực điểm 1.190 điểm. Xét về cả khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều đang duy trì xu hướng cũ, hướng lên tích cực và chưa cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên.

Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn sẽ đi lên cùng với sự phân hóa, luân phiên dòng tiền giữa các nhóm ngành để tiếp tục tiến đến vùng điểm 1.200 điểm trước khi xuất hiện những rung lắc mạnh hơn.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ nên gia tăng tỷ trọng từ 20-30% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong tài khoản thuộc các nhóm ngành đang có xu hướng thu hút dòng tiền như thủy sản, bất động sản, thép.

Theo CTCK Tân Việt (TVSI): Chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh thấp trước đó, cùng với các hỗ trợ ngắn là các mốc giá trị bình quân đang cách khá xa, nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua mới trong phiên khi tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận đang ở mức không hấp dẫn.

Còn theo CTCK Yuanta Việt nam: Rủi ro ngắn hạn ở đây là nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh và nhiều cổ phiếu đang tăng vào vùng quá mua, nên áp lực chốt lời có thể tăng và thị trường có thể liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư rất dễ xảy ra tình trạng bán tại các nhịp điều chỉnh và mua trở lại mỗi khi thị trường nhanh chóng quay lại đà tăng, điều này có thể khiến rủi ro T+ gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và hạn chế mua mới hoặc chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp.

CTCK AIS: Thị trường duy trì được đà tăng điểm đến hết phiên trước áp lực chốt lời ở đầu phiên chiều. Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức cao hơn trung bình 20 phiên đạt 20.049 tỷ đồng trên HOSE.

VN-Index tiếp tục có động lực tăng điểm để có thể sớm vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong các phiên tiếp theo khi dòng tiền lan tỏa, mở rộng sang nhiều nhóm ngành khác nhau và áp lực chốt lời ngắn hạn được hấp thụ tốt.

Xu thế trong trung hạn của thị trường duy trì trạng thái rebound/hồi phục, tăng giá và VN-Index vẫn có thể đạt mốc 1.200-1.250 điểm trong năm 2023.

Tuần này sẽ là một tuần với tốc độ tăng điểm có thể chậm lại hoặc là một tuần giảm điểm nhẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng ngắn hạn, hoàn toàn bình thường và lành mạnh cho cả xu thế chung.

Với hoạt động đầu tư ngắn hạn: Một số cổ phiếu như ITA, VND, HQC, TDC có thể cân nhắc mua vào.