Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 18/11, chỉ số VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,41%) xuống 1.469,83 điểm. Toàn sàn có 223 mã tăng, 243 mã giảm và 39 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng 5,78 điểm (1,25%) lên 468,73 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 120 mã giảm và 36 đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,31 điểm (1,17%) lên 113,52 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường cải thiện đáng kể so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,4 tỷ đơn vị, tương ứng 42.748 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE là 34.925 tỷ đồng, tăng 34% so với phiên hôm qua.

Thị trường chứng khoán ngày 18/11: Diễn biến phân cực rất rõ, VN-Index giảm 6 điểm
Thị trường chứng khoán ngày 18/11: Diễn biến phân cực rất rõ, VN-Index giảm 6 điểm

Theo quan sát, nhóm dịch vụ tài chính là tâm điểm thu hút dòng tiền phiên hôm nay với giá trị giao dịch dẫn đầu đạt gần 5.700 tỷ đồng. Trong đó, loạt cổ phiếu chứng khoán đóng cửa trong sắc tím trần như AGR, APG, ART, BSI, CSI, CTS, HBS, SSI, TVB, VIG, VIX, WSS.

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục nhận được sự chú ý của nhà đầu tư với câu chuyện tăng vốn mới của một số công ty chứng khoán như VND, SSI, APG. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường về quy mô giao dịch, điểm số và số lượng nhà đầu tư mới tham gia đều đạt kỷ lục.

Ở chiều ngược lại, nhóm thép bị bán mạnh khi hầu hết các cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, riêng VGS kết phiên tăng 2,3%. Cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc diễn biến tích cực trong phiên sáng, sang đến phiên chiều cũng yếu dần. Đáng chú ý, trụ VIC từ vai trò dẫn dắt thị trường đảo chiều giảm 1,9% sau phiên ATC và trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực thứ hai lên VN-Index, chỉ đứng sau GAS.

Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm bất động sản, xây dựng giúp hàng loạt mã đóng cửa tăng mạnh, thậm chí tăng trần như ASM, CEO, CII, DIG, FLC, ITA, PTC, QCG, VPH…

Song song đó, các cổ phiếu chứng khoán cũng bứt phá phải kể đến đó là BSI, CTS, AGR, SSI, VIX, ART, WSS… đều tăng trần.

Thép, phân bón hay dầu khí bị điều chỉnh giảm mạnh trong phiên hôm nay. Các anh cả ngành thép như HPG đóng cửa giảm 2,8%, HSG giảm 6,1%, trong khi NKG đóng cửa giảm 5%.

Ở nhóm phân bón, DPM, DCM, LAS, DDV bị bán mạnh, trong đó DPM chạm sàn và cuối phiên chỉ còn giảm 5,6%.

Phiên đáo hạn phái sinh luôn hứa hẹn diễn biến bất ngờ. Với trạng thái yếu ớt của nhóm blue-chips, cơ hội “đánh xuống” có vẻ thuận lợi hơn. Đến khi VIC liên tục mất độ cao và các trụ khác quá đuối thì bên Short toàn thắng.

Diễn biến thị trường hôm nay phân cực rất rõ, một bên là các mã vừa và nhỏ tăng bốc hỏa, một bên là nhóm blue-chips VN30 lình xình yếu ớt. Các cổ phiếu lớn trong VN30 vẽ một đường hoàn toàn riêng so với VN-Index và các chỉ số còn lại. Chỉ đến đợt ATC, VIC cũng bị xả thì VN-Index mới đỏ.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn là những mã duy nhất có khả năng điều tiết VN30-Index trong phiên đáo hạn phái sinh. HPG, cổ phiếu lớn nhất trong chỉ số này đã cắm đầu lao dốc từ sáng; TCB lình xình dưới tham chiếu; VPB càng về cuối phiên càng yếu. Trong Top 5 vốn hóa VN30 thì chỉ còn VIC và VHM là ẩn số, đặc biệt là VIC.

VIC tăng mạnh trong phần lớn thời gian của phiên hôm nay nhưng thực chất là liên tiếp xuất hiện các nhịp chốt lời mạnh. Gần như cả buổi sáng VIC đã hạ độ cao dần, buổi chiều sau nhịp nảy đầu giờ thì cũng lại trượt dốc kéo dài. Đợt đóng cửa VIC xuất hiện lực xả cực mạnh với 869 ngàn cổ, giá đang từ 96.900 đồng bị đánh sập xuống 94.500 đồng. So với tham chiếu VIC giảm 1,87% nhưng trong một lần khớp, VIC bốc hơi 2,48%. Mức giảm này mới quyết định biên độ giảm của các chỉ số chứ không phải mức giảm so với tham chiếu ở đợt ATC.

Hàng loạt cổ phiếu khác cũng xuất hiện lực xả mạnh cuối ngày, giá thay đổi bất lợi. TCB xuất hiện gần 1,46 triệu cổ xả ra đợt ATC, giá tụt thêm 2 bước và xuống dưới tham chiếu 1,34%. VPB có 1,89 triệu cổ xả ATC, giá giảm 2,07%. ACB có gần 1,2 triệu cổ xả, giá giảm 2,4%. FPT có 436.200 cổ xả, giá giảm 1,83%. MSN sập 1,66%. MWG là mã duy nhất trong Top 10 vốn hóa của VN30 còn tăng, nhưng riêng đợt ATC thì vẫn bị ép giảm xuống gần 1,3%, chỉ còn tăng 0,8% so với tham chiếu.

VN30-Index riêng đợt ATC bốc hơi thêm gần 9,2 điểm, giảm tổng cộng 16,16 điểm so với tham chiếu. VN-Index đỡ thiệt hại hơn, giảm hơn 6,3 điểm, đang từ tăng nhẹ 0,31 điểm thành giảm 6,02 điểm so với tham chiếu.

Rổ VN30 kết phiên chỉ còn 6 mã tăng/23 mã giảm. SSI vẫn kịch trần, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cả nhóm cổ phiếu chứng khoán. Chiều nay nhóm này thậm chí còn mạnh hơn phiên sáng, ghi nhận 12 mã tăng kịch trần trên cả 3 sàn, gấp 3 lần phiên sáng.

Các cổ phiếu blue-chips còn tăng hôm nay đều khá mạnh. Trừ SSI kịch trần và MWG dưới 1%, POW tăng 3,53%, BID tăng 2,06%, VRE tăng 2,13%, HDB tăng 1,62%. Ngược lại số giảm có tới 15 mã giảm trên 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ gần như miễn nhiễm với phiên đáo hạn phái sinh cũng như hiện tượng co giật ở các blue-chips. Smallcap chốt phiên vẫn tăng 1,3% với 96 mã tăng/80 mã giảm, trong đó 26 mã kịch trần. Midcap tăng 1,18% với 34 mã tăng/33 mã giảm. Tính chung sàn HoSE ghi nhận 56 mã trần, HNX có 37 mã và UpCoM có 47 mã. Như vậy sức nóng ở nhóm đầu cơ vẫn rất mạnh.

Thanh khoản phiên chiều nay tăng vọt, hai sàn niêm yết khớp 15.246 tỷ đồng, cao nhất 11 phiên. Tổng cả phiên hai sàn khớp 37.037 tỷ đồng, tăng 32% so với hôm qua. Trên Hose thanh khoản tăng ở tất cả các nhóm, nhưng VN30 thì lao dốc còn Midcap và Smallcap thì tăng mạnh.

Khối ngoại xả ròng hôm nay gần 473 tỷ đồng trên HoSE nhưng không gây áp lực nhiều tới các cổ phiếu biến động lớn cuối phiên. HPG bị bán ròng 237,8 tỷ nhưng giá giảm trọn ngày. SSI vẫn kịch trần trước mức rút ròng gần 290 tỷ. VND cũng tăng 4,44% dù bị bán ròng 128 tỷ.