Giới thiệu về Công ty cổ phần Thế giới di động

Thế giới di động là gì?

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Cửa hàng bán lẻ Thế giới di động

Thế giới di động có tên đầy đủ là Công ty cổ phần Thế giới di động, được thành lập vào tháng 3 năm 2004. Tên tiếng Anh của Công ty là Mobile World JSC, có mã chứng khoán là: MWG. Đây là một tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam, với lĩnh vực kinh doanh chính là điện thoại di động, thiết bị số, điện tử tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của EMPEA, thống kê thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam năm 2014, Thế giới di động chiếm 25% và là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam.

Vào năm 2018, Thế giới di động lọt top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương do tạp chí Retail Asia và công ty Euromnitor công bố. Ngoài chuỗi cửa hàng điện thoại di động (thegioididong.com), Công ty cổ phần Thế giới di động còn sở hữu chuỗi cửa hàng Điện máy xanh, Trần Anh và chuỗi siêu thị thực phẩm Bách hoá xanh.

Công ty Thế giới di động là công ty của nước nào?

Công ty cổ phần thế giới di động là một công ty tư nhân của Việt Nam, do người Việt sáng lập và điều hành. Có trụ sở chính nằm ở toà nhà MWG – Lô T2 – 1.2, đường D1, khu Công Nghệ cao, Phường Tân Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tập đoàn có hơn 50.000 cán bộ nhân viên ở các vị trí làm việc khác nhau được phân bố trên khắp cả nước. Công ty có mạng lưới hơn 3.400 cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh thị trường Việt Nam, tập đoàn còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Hiện nay, doanh nghiệp này đã có hơn 20 cửa hàng bán lẻ tại Campuchia.

Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Thế giới di động gồm những ai?

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới di động – Ông Nguyễn Đức Tài

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới di động - Ông Nguyễn Đức Tài

Ông Nguyễn Đức Tài là ai?

Nguyễn Đức Tài là một doanh nhân, tỷ phú người Việt Nam. Ông chính là người sáng lập, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới di động. Ông Nguyễn Đức Tài là 1 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Tổng giá trị tài sản hiện nay của ông lên đến 3.260,88 tỷ đồng.

Mỗi khi nhắc đến cái tên Thế giới di động (TGDĐ) là hầu như người Việt Nam đều biết đến với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại, máy tính, phụ kiện… nổi tiếng. Bên cạnh việc điều hành Công ty CP Đầu tư Thế giới di động, ông Nguyễn Đức Tài còn là chủ của hệ thống các cửa hàng Điện máy xanh, Bách hoá xanh. Thành công nhất của ông chính là việc phát triển Thế giới di động thành một trong những thương hiệu, nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam.

Ông Tài còn nổi tiếng là người sống hết mình vì công việc, theo đuổi nhiều mục tiêu không tưởng và tham vọng khẳng định thương hiệu riêng. Tuy là một tỷ phú nhưng ông lại là người có phong cách sống đơn giản.

Tiểu sử về ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới di động

Doanh nhân Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/5/1969 tại Thành phố Hồ Chí Minh, quê gốc của ông ở Nam Định, hiện tại ông đã sinh sống tại khu Villa An Phú Đông, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính – Kế toán trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Trung tâm đào tạo Pháp - Việt CFVG.

Các chức vụ hiện tại của ông Nguyễn Đức Tài:

  • Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG)
  • Thành viên HĐQT Công ty CP Thế giới số Trần Anh (TAG)
  • Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thế giới điện tử
  • Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới di động
  • Thành viên HĐQT Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới bán lẻ

Quá trình khởi nghiệp của ông chủ Thế giới di động như thế nào?

Được biết đến là một tỷ phú nổi tiếng, như một “người khổng lồ” trong ngành bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện máy với hai siêu phẩm là Thế giới di động và Điện máy xanh, chiếm thị phần số 1 Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ít ai có thể biết được rằng để có được những thành công như bây giờ, ông Tài đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại trong những lần khởi nghiệp của mình. Biết thất bại ở đâu và đứng lên từ chính những thất bại đó, đã đưa ông Tài có được thành công của hiện tại. Và câu chuyện thành công của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho những thanh niên trẻ đang có khao khát khởi nghiệp nói chung và trong ngành điện tử viễn thông nói riêng. Vậy cùng tìm hiểu thêm để biết rõ hơn về con đường xây dựng sự nghiệp đầy gian truân của vị tỷ phú này nhé.

  • Khởi nghiệp thất nhưng không quyết không bỏ cuộc của doanh nhân Nguyễn Đức Tài

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Pháp, ông Tài quyết định quay về nước và làm Giám đốc Tài chính cho 1 tập đoàn của Thuỵ Sĩ có trụ sở tại Việt Nam. Rồi ông làm Giám đốc chiến lược của một công ty mạng di động. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng “mới hơn 20 tuổi làm giám đốc tài chính mà đã có xe hơi đưa đón, được cấp xe riêng. Lỡ đến sau này khoảng 40 tuổi lên chức lại được cấp máy bay riêng đi làm. Nhưng tôi không muốn mọi thứ yên ổn như thế”.

Và rồi ông Tài không muốn cứ mãi sống một cuộc đời là kẻ làm thuê, ông đã quyết định tự xây dựng một sự nghiệp của riêng mình. Sau 8 năm gắn bó với công việc Giám đốc tài chính, Nguyễn Đức Tài đã quyết định thôi việc để khởi nghiệp. Lá đơn xin nghỉ việc của ông Tài vào năm 2003 khiến nhiều người bất ngờ

Bởi sự chủ quan, tính hiếu thắng không cần ai giúp đỡ hay hợp tác cùng đã khiến ông gặp thất bại thảm hại. Nhưng vốn là người kiên trì lại có phần lì lợm, ông quyết định không từ bỏ ý định kinh doanh của mình. Để có thể xây dựng sự nghiệp lại một lần nữa, ông tài lại đi làm thêm để tích góp vốn vào kinh doanh.

Năm 2004, ông cùng 3 người bạn quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thế giới di động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng, trong bối cảnh điện thoại di động khi ấy là mặt hàng xa xỉ của người dân. Ông liên tiếp mở 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại, cùng với việc xây dựng quảng cáo cửa hàng thông qua website trực tuyến. Tuy nhiên thị trường điện thoại chính hãng cũng rất chật hẹp, kết quả doanh thu cũng chẳng mấy khả quan.

Nhận thấy sai lầm trong cách điều hành kinh doanh, ông đã chọn việc tập trung vào 1 cửa hàng bán điện thoại duy nhất một cách bài bản. Trong căn phòng hơn 6m2 thuê trên đường Nguyễn Gia Thiều (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Tài cùng hàng chục cộng sự bỏ 200% công lực cho một mô hình bước ngoặt: Kết hợp trang web và một hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động lớn nhất từ trước tới nay. Chính điều này đã giúp ông thu về một lượng khách hàng ổn định, tốc độ phát triển ấn tượng.

  • Sự thành công đáng kinh ngạc của Thế giới di động

Giai đoạn năm 2004 -2008 dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Tài có hơn 40 cửa hàng Thế giới di động được ra đời và đi vào hoạt động. Để có thể nắm rõ được tình hình hoạt động của công ty, mọi khâu kinh doanh từ: Bán hàng, tuyển dụng, giá bán, vận hành đều có sự tham gia của ông Tài.

Sau sự thành công rực rỡ của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại Thế giới di động, ông Tài tiếp tục cho xây dựng đế chế mới, lấn sân sâu vào lĩnh vực điện máy. Các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh tiếp tục được ra đời, nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ người dân trong nước. Đến nay, bên cạnh Thế giới di động và Điện máy xanh, ông Tài tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh hàng tiêu dùng với sự ra đời của Bách hoá xanh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thế giới di động đã có hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, 711 cửa hàng Điện máy xanh và 311 cửa hàng Bách hoá xanh. Không những vậy, Thế giới di động còn chiếm tới 50% thị phần của ngành hàng di động tại Việt Nam hiện nay và tiếp tục còn tăng nhiều hơn nữa.

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Không gian bên trong cửa hàng Thế giới di động

Quan điểm về thành công của tỷ phú Nguyễn Đức Tài là gì?

Theo ông Tài chia sẻ, chìa khoá vàng đưa ông đến với thành công chính là chữ “TÍN”. Theo ông một người kinh doanh giỏi thì chữ “TÍN” luôn là điều quan trọng nhất. Ông Tài quan niệm: “CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm. Xem khách hàng là đối tác chứ không phải nhìn vào túi tiền của họ”.

Có lẽ, những thất bại phải trải qua, khó khăn trong suốt thời gian xây dựng sự nghiệp đã giúp ông Tài có được rất nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích. Không có việc gì dễ dàng, nhất là trong kinh doanh. Ông Tài đã chiêm nghiệm ra một điều rằng “muốn có được những điều mới mẻ cần phải chấp nhận thất bại. Nếu sợ thất bại sẽ không thể làm được gì, lúc đó chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất”.

Như vậy, ông Nguyễn Hữu Tài vị tỷ phú đang sở hữu đế chế bán lẻ điện thoại số 1 Việt Nam chính là minh chứng cho câu nói “thất bại là mẹ thành công”. Thất bại ở đâu, đứng lên ở đó, dám đương đầu với thử thách để rồi vươn lên và gặt hái được những thành công. Đó là những gì chúng ta có thể học hỏi được từ vị tỷ phú tài giỏi này.

Bên cạnh đó bộ máy quản lý của công ty còn có thêm một số nhân vật chủ chốt sau:

  • Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh – Ông Trần Kinh Doanh
  • Giám đốc nhân sự - Ông Đặng Minh Lượm
  • Giám đốc Dienmayxanh.com – Ông Đinh Anh Huân
  • Đại diện Pháp luật – Ông Đoàn Văn Hiểu Em

Những công ty thành viên của Thế giới di động là công ty nào?

Công ty cổ phần Thế giới di động gồm có 8 công ty là thành viên. Các công ty thành viên này đều có tầm ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của công ty mẹ. Các công ty thành viên của Thế giới di động hiện gồm:

Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG)

Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG)

Được thành lập từ 11/3/2002, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trần Anh (tiền thân của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh), được biết đến là một địa chỉ mua sắm máy tính và linh kiện tin cậy Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là: Kinh doanh các sản phẩm thiết bị tin học, thiết bị văn phòng -IT, các sản phẩm điện thoại, máy ảnh, thiết bị kỹ thuật số-TBS, sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng-CE và các hoạt động kinh doanh khác.

Hiện Trần Anh được đánh giá là đứng đầu khu vực miền Bắc về doanh số bán lẻ các sản phẩm thiết bị với tốc độ tăng trưởng doanh thu cùng lợi nhuận hàng năm đều cao. Ngoài ra Trần Anh cũng là 1 trong 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất tại Việt Nam.

Công ty cổ phần Thế giới di động

Công ty cổ phần Thế giới điện tử

Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đầu tư Thế giới bán lẻ

Công ty cổ phần bán lẻ An Khang

Công ty TNHH MTV Công nghệ Thông tin Thế giới di động

Công ty cổ phần Thương mại Bách hoá xanh

Công ty cổ phần Thương mại Bách hoá xanh được thành lập vào cuối năm 2015, thuộc Công ty cổ phần Thế giới di động. Lĩnh vực kinh doanh của công ty là thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm trên hệ thống các chuỗi siêu thị mini với tên gọi Bách hoá xanh. Hiện công ty có tới hơn 60.000 nhân viên , với gần 2.000 điểm bán hàng trải dài trên 24 tỉnh phía Nam, 324 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, và có khoảng 1.300 – 1500 tấn hàng hoá luân chuyển qua hệ thống Bách hoá xanh mỗi ngày. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số kênh phân phối khác bị hạn chế, lưu lượng hàng hoá qua hệ thống Bách hoá xanh đã tăng gấp đôi, từ 2.000 – 3.000 tấn/ngày.

Năm 2020, chuỗi Bách hoá xanh mở thêm 700 cửa hàng mới, trung bình mỗi tháng mở thêm 58 cửa hàng mới. Có những thời gian cao điểm như tháng 5/2020, chuỗi Bách hoá xanh mở thêm tới 131 cửa hàng, tháng 6/2020 mở 121 cửa hàng. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2021, Bách hoá xanh đã có doanh thu khoảng 10.600 tỷ đồng, chiếm 20,5% trong cơ cấu doanh thu của toàn tập đoàn Thế giới di động.

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Không gian bên trong siêu thị Bách hoá xanh

Trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại khu vực phía Nam, việc phải giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu về hàng hoá của người dân ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Bách hoá xanh lại liên lục nhận những gạch đá, bị “tố” từ dư luận về việc cửa hàng không niêm yết giá, tăng giá bán đã gây thêm khó khăn cho người dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.

Cụ thể, sản phẩm cháo tươi thịt băm, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phảm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/hói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói. Ngoài ra các sản phẩm tươi sống cũng tăng giá hơn so với giá được niêm yết tại quầy hàng. Đặc biệt trên mạng xã hội còn tung đoạn clip về việc nhân viên tại Bách hoá xanh liên tục bán hàng thiếu hàng cho khách, khiến dư luận xôn xao.

Dưới sức ép của dư luận, cùng làn sóng đòi tẩy chay Bách hoá xanh, đã khiến mã cổ phiếu MWG đã giảm 11.600 đồng (tương đương -6,9%), tạm lùi xuống mức giá 156.500 đồng. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây của mã cổ phiếu MWG. Vụ việc này cũng đã khiến Bách hoá xanh bị lực lượng quản lý thị trường tiến hành điều tra tại hàng chục cửa hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, và thương hiệu bán lẻ này rơi vào vòng xoáy bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay trên mạng xã hội.

Logo của Thế giới di động mang ý nghĩa gì?

Logo của Thế giới di động được chia làm hai phần: Phần hình chữ và phần hình người. Phần hình trong thiết kế logo của hãng là hình biểu tượng con người đang chuyển động trong trung tâm của hình tròn.

Hình tượng con người trong logo chính thức của Công ty cổ phần Thế giới di động được tạo thành bởi các ô vương nhỏ, Hình ảnh này tượng trưng cho hệ thống rất nhiều các cửa hàng bán lẻ của hãng.

Con người là trung tâm của vũ trụ, của tạo hoá tượng trưng cho những gì hoàn hảo nhất. Sử dụng biểu tượng con người trong logo thương hiệu Công ty Thế giới di động, nhằm để nhấn mạnh đến sự hoàn hảo về chất lượng sản phẩm, cũng như chất lượng dịch vụ. Con người ở trung tâm chính là khách hàng ở trung tâm được đáp ứng các yêu cầu cần thiết.

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Logo của Công ty Thế giới di động

Hình khối tròn trong logo của Công ty Thế giới di động là tượng trưng cho mặt trời, quả địa cầu thể hiện cho khát khao về một thương hiệu vươn ra toàn cầu.

Phần tiếp theo là phần chữ trong logo là tên thương hiệu cũng đồng thời là tên miền website: thegioididong.com. Với font chữ trong thiết kế logo được sử dụng là dạng chữ thường, tạo ra sự gần gũi và thân thiện. Chiều nghiêng của font chữ hướng sang bên phải như một thông điệp luôn hướng về phía trước của Công ty CP Thế giới di động.

Qua biểu tượng logo ta thấy được sứ mệnh mà Thế giới di động muốn hướng đến, đó là chiếm lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam, lòng tin của khách hàng và đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới.

Quá trình hình thành, phát triển và tầm ảnh hưởng của Thế giới di động

  • Năm 2004: Công ty cổ phần Thế giới di động được thành lập với số vốn ban đầu khoảng 2 tỷ đồng theo mô hình thương mại điện tử nhưng thất bại.
  • Tháng 10/2004: Chuyển đổi mô hình kinh doanh, đầu tư vào cửa hàng bán lẻ các thiết bị di động.
  • Tháng 3/2006: Công ty cổ phần Thế giới di động có tổng cộng 4 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Năm 2007: Thành công kêu gọi vốn đầu tư của Mekong Capital, phát triển quy mô.
  • Năm 2009: Công ty cổ phần Thế giới di động đạt quy mô 40 cửa hàng bán lẻ.
  • Năm 2010: Công ty mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang ngành hàng điện tử tiêu dùng với thương hiệu Dienmay.com (sau đổi thành Dienmayxanh.com).
  • Năm 2012: Công ty đạt quy mô 220 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam.
  • Tháng 5/2013: Thế giới di động tiếp nhận vốn đầu tư của Robert A.Willett – cựu CEO BestBuy International và Công ty CDH Electric Bee Limited.
  • Năm 2017: Tiến hành sáp nhập và mua lại hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh.
  • Tháng 3/2018: Mua lại 40% vốn của chuỗi dược phẩm Phúc An Khang. Sau đó đổi tên thành Nhà thuốc An Khang.
  • Tháng 10/2018: Sáp nhập hoàn thành, có tổng cộng 34 siêu thị Trần Anh được thay tên thành Điện máy xanh.

Thế giới di động đã có một chặng đường phát triển 16 năm đi cùng với đó là những thành tích, các con số vô cùng ấn tượng. Năm 2008, doanh thu của công ty là 1.960 tỷ đồng, đến năm 2018, doanh thu cao gấp 44 lần, đạt 86,516 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2018 đạt 2.880 tỷ đồng, cao gấp 59 lần so với năm 2019. Hiện tại, Thế giới di động đang là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Thế giới di động cũng tác động đáng kể đối với ngành bán lẻ trong nước, đặc biệt mang lại một nơi mua sắm tin cậy từ điện thoại, máy tính, điện máy và thực phẩm tiêu dùng.

Tình hình hoạt động kinh doanh của Thế giới di động

Vào thời điểm tháng 11 năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động đã mở thêm 688 siêu thị, với 117 siêu thị thegioididong.com, 351 siêu thị Điện máy xanh và 200 siêu thị Bách hoá xanh. Tổng số siêu thị đang hoạt động của Thế giới di động được nâng lên là 1.923 siêu thị, tăng 50% so với năm trước. Cùng trong tháng 11/2017, doanh thu của hệ thống siêu thị bán lẻ của doanh nghiệp này đạt được là 59.000 tỷ đồng.

Đến năm 2018, tổng số cửa hàng của doanh nghiệp đã được nâng lên là 2.160 và có mặt tại khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.

Kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2019 của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động rất đáng ngưỡng mộ, với doanh thu hợp nhất đạt gần 69.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Với lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,7 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018. Kết quả kinh doanh trên giúp Thế giới di động đã thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Thế giới di động là gì? Hay bí quyết chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 17 năm của Thế giới di động
Lợi nhuận doanh thu của Thế giới di động.

Từ những kết quả khả quan đó, giúp giá cổ phiếu của Thế giới di động (trên sàn chứng khoán MWG) cũng tăng mạnh. Giá cổ phiếu từ 80.000 đồng/cp lên mức 126.500 đồng/cp, tăng 58%. Tính đến tháng 9 năm 2019, giá trị hoá vốn của Thế giới di động đạt 56.000 tỷ đồng.

Mặc trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng doanh thu của Thế giới di động vẫn tăng đều. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2020, Công ty cho biết đã vượt 4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm, đạt gần 3.600 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng được duy trì ở mức 3,6%.

Cụ thể, trong tháng 11, Công ty đã thu 9.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 316 tỷ đồng, đều tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 11 tháng, Công ty hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu với 99.300 tỷ đồng. Chuỗi điện máy và điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 53,5% và 27,2%. Phần còn lại đến từ chuỗi cửa hàng Bách hoá xanh.

Hội đồng quản trị Thế giới di động mới thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 để trình đại hội cổ đông là doanh thuần 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng. Hoạt động bán lẻ thiết bị di động và điện máy là trụ cột sẽ mang lại dòng tiền chính, đóng góp khoảng 75% tổng doanh số.

Đồng thời, ban lãnh đạo Công ty cũng sẽ triển khai mạnh mô hình Điện máy xanh supermini (diện tích dưới 150 m2) với mục tiêu 1.000 cửa hàng vào cuối năm sau. Đối với ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu, mục tiêu là nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ khoảng 19% lên 25% nhờ tăng độ phủ tại những thị trường hiện hữu, kèm mở rộng mô hình cửa hàng diện tích lớn tại miền Nam, tăng hiệu quả mua hàng tươi sống và đa dạng nguồn cung cấp.

Hành trình phát triển từ một cửa hàng bán lẻ điện thoại nhỏ để trở thành một ông lớn bán lẻ số 1 tại Việt Nam, của Công ty cổ phần Thế giới di động là một chặng đường dài và đầy gian nan. Khởi đầu với những khó khăn nhưng ban lãnh đạo Công ty bằng những định hướng, chiến lược đúng đắn đã đưa doanh nghiệp ngày càng thêm lớn mạnh như hiện tại.