Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Do đó, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng (TP.HCM) nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn “đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm”.

Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp (KCN), nhất là tại các DN sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân. Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không có một mô hình chuẩn cho khoanh vùng cách ly, phong toả mà phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương.

Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện. Nhằm chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.

Về kiến nghị của các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho công nhân trong KCN, Phó Thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao vaccine. Phó Thủ tướng đặt mục tiêu cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng Covid-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước.

Cố gắng hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trên cả nước
Cố gắng hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ công nhân trên cả nước

Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Văn bản 1835/UBND-KGVX, quán triệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 2022.

Đáng chú ý tại văn bản này, liên quan đến sự việc, nhiều địa phương ở Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu người dân phải tự trả tiền phí tiêm vắc xin, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các đơn vị chỉ đạo rà soát, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh việc ban hành văn bản không rõ nội dung, không thống nhất với chủ trương, kế hoạch của Thành phố đã ban hành.

Cũng tại văn bản, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng kế hoạch, rà soát, lập danh sách đối tượng theo thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn theo đúng chỉ đạo tại Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 07/5/2021 của UBND Thành phố.

Trước đó, ngày 10/6, UBND thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) có quyết định thu hồi văn bản khảo sát nhu cầu sử dụng vắc xin Covid-19, trong văn bản này có nội dung "kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng tự chi trả".

Ngày 11/6, UBND huyện Thường Tín cũng thu hồi văn bản về việc yêu cầu đăng ký tiêm vắc xin và ủng hộ quỹ vắc xin ngừa Covid-19, trong văn bản này có nội dung "kinh phí tiêm vắc xin do tổ chức, doanh nghiệp người lao động tự chi trả, dự kiến 350.000 đồng/người".

Trả lời báo chí, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Anh Dũng khẳng định việc UBND huyện Thường Tín và thị trấn Đông Anh vừa qua ban hành văn bản có nội dung người dân, doanh nghiệp, công nhân tự chi trả phí tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là chưa phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội.

Theo DNVN