Thẩm mỹ viện Ngọc Dung "nổ" quảng cáo?

Trên website https://thammyvienngocdung.com/, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung đang quảng cáo tới 21 loại hình dịch vụ làm đẹp. Trong đó, thẩm mỹ viện Ngọc Dung tập trung chính vào chăm sóc da, giảm béo, phun thêu thẩm mỹ, tắm trắng.

Cụ thể, về điều trị da công nghệ cao, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tới 7 dịch vụ bao gồm: Điều trị nám; Điều trị sẹo rỗ; Điều trị tàn nhang; Điều trị thâm quầng mắt; Điều trị thâm bẹn; Điều trị thâm mông; Điều trị da nhờn và lỗ chân lông to.

Ở tất cả các dịch vụ kể trên, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung luôn có những lời cam kết quen thuộc như: “Thực hiện nhẹ nhàng, nhanh chóng; Không xâm lấn đến các vùng da xung quanh; Không đau rát, không cần nghỉ dưỡng; Hiệu quả nhanh hơn các phương pháp thông thường...”

Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tốt như lời đồn?
Những lời cam kết nhiều "không" quen thuộc của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung. Ảnh chụp màn hình

Về trẻ hóa da toàn diện, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tới 5 loại hình dịch vụ được quảng cáo sử dụng công nghệ cao. Trong đó, gói dịch vụ “Nâng cơ toàn mặt Diamond FLX Pro 2019” được Thẩm mỹ viện Ngọc Dung khẳng định có thể: “Giúp làn da trẻ hóa nhanh từ 5 đến 10 tuổi chỉ sau 1 lần thực hiện, lại cực kỳ an toàn nên được các chuyên gia và phái đẹp tin tưởng”.

Tương tự các dịch vụ khác, “Nâng cơ toàn mặt Diamond FLX Pro 2019” cũng được khẳng định: “Chỉ thực hiện 1 lần, thời gian kéo dài 90 phút; Trẻ hóa tối đa, an toàn cho làn da, sức khỏe; Không tốn thời gian, không đau, không biến chứng, không phải nghỉ dưỡng; Chăm sóc sau điều trị đơn giản, không cần kiêng khem...”.

Ở dịch vụ giảm mỡ giảm cơ, trên fanpage facebook Ngoc Dung Beauty, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung “nổ” rằng: “LIPO HIFU – Hủy mỡ tầng sâu – Số 1 tại Hoa Kỳ”.

Cần biết rằng, tại Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 quy định những hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trong đó có hành vi: "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Nếu việc Thẩm mỹ viện Ngọc Dung quảng cáo "LIPO HIFU – Hủy mỡ tầng sâu – Số 1 tại Hoa Kỳ" không có được tài liệu hợp pháp chứng minh thì đây chính là hành vi quảng cáo sai sự thật.

Căn cứ Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Kèm theo biện pháp khắc phục là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.

Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tốt như lời đồn?
Thẩm mỹ viện Ngọc Dung "nổ" quảng cáo về dịch vụ giảm mỡ. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 được quy định như sau:

"1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Bên cạnh đó, Thẩm mỹ viện này cũng quảng cáo có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực làm đẹp, trong đó có cả người Việt Nam và nước ngoài.

Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ “chui”?

Theo phản ánh của Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp vào tháng 4/2021, có thể dễ dàng nhận thấy trên hai kênh thông tin qua facebook và website này, TMV Ngọc Dung đã rất cẩn trọng khi không hề nhắc đến các dịch vụ liên quan đến “dao kéo”, phẫu thuật. Cơ sở này chỉ giới thiệu đến khách hàng các dịch vụ về chăm sóc da; trị nám, mụn, tàn nhang; hay cung cấp cho khách hàng các cách cân bằng trong ăn uống…

Trái ngược với những quảng cáo của mình, chỉ khi đến trực tiếp cơ sở này, nghe các nhân viên và bác sĩ tại đây tư vấn mới thấy được chiêu trò phẫu thuật thẩm mỹ không phép tại TMV Ngọc Dung tinh vi thế nào.

Trong vai nam khách hàng có nhu cầu tân trang khuôn mặt, nâng cơ ngực, nâng cơ bụng tiếp xúc trực tiếp cơ sở này tại số 646 Đại Lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một, phóng viên đã được Thẩm mỹ viện Ngọc Dung nhiệt tình tư vấn.

Cụ thể, một vị bác sĩ tên Chí cho phóng viên biết, Thẩm mỹ viện Ngọc Dung chưa phát triển phương pháp nâng cơ ngực, nâng cơ bụng cho nam giới, mà chỉ có các dịch vụ đặt túi ngực, hay thậm chí là nâng mông cho nữ giới.

Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tốt như lời đồn?
Phiếu thu đặt cọc của khách hàng làm phẫu thuật chỉnh sửa các bộ phận cằm... từ Thẩm mỹ viện Ngọc Dung (địa chỉ tại Bình Dương). Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp

Riêng về phần tân trang khuôn mặt, nữ bác sĩ cho biết khuôn mặt PV không cân đối, phần mũi hơi thấp; hai bên thái dương không đều; cằm hơi thô… cần được can thiệp để cân đối lại.

“Về mũi, hiện tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung đang sử dụng 2 phương pháp là luồn chỉ laser và phẫu thuật. Luồn chỉ sử dụng được 2-3 năm nhưng nếu sử dụng phương pháp phẫu thuật sẽ sử dụng được từ 5-7 năm, thậm chí lâu hơn. Luồn chỉ laser có nghĩa là sẽ bắn chỉ laser trực tiếp vào phần mũi, giúp mũi của em cao hơn. Đây là chỉ nhân tạo và sẽ được thực hiện theo công nghệ Hàn Quốc. Còn về phương pháp phẫu thuật thì các bác sĩ bên chị sẽ nâng mũi cho em bằng sụn nhân tạo. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một lỗ nhỏ dưới mũi, sau đó lắp sụn vào và khâu lại. Đơn giản vậy thôi”, Giám đốc Thẩm mỹ viện Ngọc Dung tại Bình Dương nói rõ.

Đối với tình trạng 2 bên thái dương không đều, cằm thô, nữ bác sĩ cho hay sẽ cải thiện bằng phương pháp bắn chỉ laser với giá 10 triệu đồng/từng vị trí can thiệp. Riêng nâng mũi sẽ có giá là 30 triệu đồng.

Đặt vấn đề sợ đau trong lúc làm phẫu thuật, bà Chí nhanh chóng trấn an: “Em an tâm, nâng mũi em sẽ được đưa lên cơ sở chính của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung trên đường 3 Tháng 2 (TP HCM) để thực hiện, ở đó có trang thiết bị hiện đại và bác sĩ Huy sẽ trực tiếp thực hiện cho em. Trong lúc phẫu thuật bác sĩ sẽ gây tê nên sẽ không đau đâu. Riêng bắn chỉ laser em sẽ làm ngay tại đây luôn, nó không đau nên không cần gây tê”.

Tương tự, dù không quảng cáo lộ liễu trên fanpage và website nhưng khi để lại thông tin có nhu cầu tư vấn về nâng mũi bằng chỉ collagen, nhân viên của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung cũng nhanh chóng tư vấn, hiện nay dịch vụ nâng mũi bằng chỉ collagen tại đây đang áp dụng chương trình khuyến mại với giá 10 triệu đồng, giá ban đầu là 30 triệu đồng.

Theo quảng cáo của Thẩm mỹ viện Ngọc Dung: "Nâng mũi bằng chỉ collagen là công nghệ nâng mũi hiện đại nhất ‘không cần phẫu thuật’. Chỉ collagen được nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc và hoàn toàn lành tính, không tổn thương, không biến chứng. Phương pháp thẩm mỹ này có thể thay thế hoàn toàn các phương pháp phẫu thuật cắt rạch. Đặc biệt, phương pháp nâng mũi bằng chỉ không để lại dấu vết thẩm mỹ”.

Thẩm mỹ viện Ngọc Dung có tốt như lời đồn?
Quảng cáo nâng mũi bằng chỉ collagen tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung. Ảnh chụp màn hình

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, hiện tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung chỉ được cấp phép là một Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Trong danh mục kỹ thuật số 1484-QĐ-SYT ngày 14/11/2018 mà Sở Y tế TPHCM cấp phép cho Thẩm mỹ viện Ngọc Dung không hề cho phép đơn vị này can thiệp bằng dao kéo lên thân thể khách hàng.

Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-BYT cũng quy định rõ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… Cũng theo quy định tại khoản 2 điều này, các dịch vụ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đó là quy định của Bộ Y tế liên quan đến phạm vi hoạt động của các thẩm mỹ viện và các cơ sở thẩm mỹ nói chung. Thế nhưng dường như tại Thẩm mỹ viện Ngọc Dung tất cả các quy định này đều bị bỏ qua. Vậy phạm vi được cấp phép của cơ sở này đến đâu? Có hay không việc TMV Ngọc Dung vượt quyền khi cung cấp các dịch vụ phẫu?

Những điều kiện phải đáp ứng khi mở dịch vụ thẩm mỹ?

Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định khác nhau cho việc kinh doanh thẩm mỹ này. Cụ thể:

Thứ nhất, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở như spa, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ, xăm hình nghệ thuật, không cần sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không phải xin giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Tuy nhiên, các cơ sở dịch vụ này phải đăng ký hoạt động kinh doanh, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự...

Cụ thể, theo quy định Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định về những cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh thì mở spa hoặc spa nhỏ không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh. Vì vậy khi kinh doanh spa bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

Theo Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Theo Quyết định Số 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư. Về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Có 02 mã ngành nghề đăng ký kinh doanh spa, bao gồm:

Số 96100: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự (trừ hoạt động thể thao). Nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…).

Số 963: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác chưa được phân vào đâu. Nhóm này gồm: Cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc. Và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ. Cắt, tỉa và cạo râu; Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm…

Như vậy, dựa trên cơ sơ pháp lý nêu trên. Spa là hình thức chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da không dùng phương pháp phẫu thuật, không gây chảy máu … (như thẩm mỹ viện hay bệnh viện) có hoặc không có hoạt động massage (xoa bóp). Do đó, về mặt pháp lý Spa có 02 loại là loại có hoạt động xoa bóp (hộ kinh doanh massage). Và loại không có hoạt động xoa bóp. Việc xác định rõ 02 loại này sẽ dẫn đến việc xác định rõ hơn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động và quản lý của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động Spa.

Thứ hai, nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu.

Theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa. Để được cấp Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện cần phải đáp ứng các điều kiện:

Điều kiện cơ sở vật chất: Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh; Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh; Có buồng lưu người bệnh; Các điều kiện khác tùy theo phạm vi chuyên môn đăng ký; Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật; Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

Điều kiện về trang thiết bị y tế: Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký; Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

Điều kiện về nhân sự: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó; Các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Theo quy định người hành nghề đã có chứng chỉ chuyên khoa định hướng Tạo hình thẩm mỹ và đã thực hành đủ 18 tháng về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Ngoài ra, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ cần đáp ứng một số quy định khác về an ninh, trật tư như: Người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy,…

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có dịch vụ thẩm mỹ. Những vi phạm cơ bản về giấy phép hoạt động kinh doanh, chuyên môn kỹ thuật. Tùy hành vi vi phạm mà mức phạt đối với cơ sở kinh doanh thẩm mỹ có thể lên tới 50.000.000 đồng.