1. Tên thương mại dự án là gì?

Pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản hiện nay chỉ có quy định khái niệm là tên dự án chứ hoàn toàn chưa có định nghĩa thế nào là tên thương mại của dự án.

Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm bất động sản tiếp cận thị trường và khách hàng mục tiêu thì tên dự án là một yếu tố quan trọng. Vì tên dự án là bước tiếp cận đầu tiên của khách hàng với sản phẩm bất động sản nên nhiều chủ đầu tư lựa chọn một tên thương mại phù hợp như một “nickname” trong quá trình quảng bá tới khách hàng.

chưa có định nghĩa thế nào là tên thương mại của dự án
Hiệ tại chưa có định nghĩa thế nào là tên thương mại của dự án. Ảnh minh họa

Tên thương mại này được gắn liền với định hướng phát triển dự án của chủ đầu tư, giúp khách hàng dễ nhớ, dễ hiểu và nắm bắt được cách thức phát triển hay điểm nhấn của dự án.

Sở dĩ nhiều dự án bất động sản được thị trường biết đến nhiều hơn với tên thương mại là do phần lớn tên đăng ký trên giấy phép của các dự án khá dài, khó đọc, khó nhớ hoặc chưa thể hiện hết được quy mô dự án, tâm huyết của nhà phát triển nên phần lớn khi các dự án ra mắt thị trường thì tên thương mại được nhiều khách hàng nhớ tới nhiều hơn.

2. Quy định về tên thương mại dự án bất động sản

Căn cứ Khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở 2014 có quy định yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:

3. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.

Như vậy, theo quy định như trên, công ty của bạn phải đặt tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng tiếng Việt. Nếu có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau.

Về chấp thuận tên gọi của dự án, tên dự án hay các tên đường, tên khu vực thuộc dự án sẽ do chủ đầu tư tự đặt nhưng việc đặt tên này phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định hay chấp thuận.

phải đặt tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng tiếng việt
Phải đặt tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng tiếng Việt, nếu đặt tên nước ngoài phải viết tiếng Việt trước, nước ngoài sau. Ảnh minh họa

Về sử dụng tên dự án, tên dự án phải được sử dụng nhất quán và xuyên suốt trong cả quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý, kinh doanh kể từ khi tên này được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho đến khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng, nghiệm thu và bàn giao toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án cho Nhà nước.

Cần biết rằng tên dự án hoàn toàn có thể được sửa đổi. Chủ đầu tư không thích tên dự án này thì có thể đặt lại tên dự án khác và cần thông báo việc này cho cơ quan cấp phép để được xem xét và chấp thuận. Hay nói cách khác, tên thương mại của một dự án cũng như tên khai sinh mà bạn đặt cho con mình vậy, nó được ghi nhận trong giấy tờ, văn bản do Nhà nước cấp. Bạn muốn thay đổi nó thì phải làm thủ tục đăng ký lại.

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014 đã có quy định “trường hợp thay đổi tên dự án đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên. Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

3. Khó khăn về việc đặt tên dự án

Từng chia sẻ về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận thấy trong nhiều năm qua, trên thị trường bất động sản, đã xuất hiện tình trạng “loạn” danh xưng “chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang”, kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như “Luxury”, “Hi-end”, “Premier”, “Royal”… được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật “câu khách”, quảng bá sản phẩm. Làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận thấy rằng, nhu cầu đặt tên dự án nhà ở, tên các thành phần trong dự án bằng tiếng nước ngoài là nhu cầu chính đáng của các chủ đầu tư, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, nhưng cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm tại khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì “cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời vi phạm tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS 2014 vì “không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về BĐS”, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối.

Luật Quảng cáo quy định 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Trong đó, tại Khoản 9 Điều 8 quy định cấm “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Đồng thời, tại Khoản 11 Điều 8 quy định cấm “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Theo đó, nhiều chủ đầu tư cũng cho biết vấn đề đặt tên thương mại cho dự án cũng là một điều trăn trở từ trước đến nay.

Khó khăn về việc đặt tên dự án bất động sản
Khó khăn về việc đặt tên dự án bất động sản. Ảnh minh họa

Một chủ đầu tư chia sẻ, “Việc đặt tên dự án bằng tiếng Việt sẽ rất khó. Vì để tìm được một từ tiếng Việt nào đó ngắn gọn, xúc tích, mang đầy đủ ý nghĩa của dự án mà chủ đầu tư nhắm đến là việc không đơn giản. Trong khi tiếng Anh lại ngắn gọn phù hợp với thời thượng hơn và khách hàng không gây nhầm lẫn, cũng như dễ ghi nhớ hơn”.

Đồng thời, HoREA đã phát hiện ra một số bất cập trong các thông tư Thông tư 31/2016/TT-BXD quy định việc phân hạng, công nhận hạng nhà chung cư và nghị Bộ Xây dựng sửa đổi thông tư này. Nhằm để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bất động sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà.

Việc đặt tên dự án bằng một cái tên khác gọi là "tên thương mại dự án" sẽ gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý một dự án cụ thể. Thế nên mới có câu chuyện, dự án sai phạm khi báo chí phản ánh, thì cơ quan chức năng thông báo: “Trên địa bàn không có dự án nào tên như vậy”.

Chưa kể, một số dự án bất động sản có tên tương tự hoặc trùng nhau cũng dễ gây hiểu lầm cho khách hàng. Ngay cả dân trong nghề đầu tư và phát triển dự án hay môi giới lâu năm tại một địa phương còn đôi lúc không phân biệt được các tên dự án bởi các dự án hay đặt tên na ná nhau.

Ngoài ra, chính vì việc tự ý đặt tên thương mại dự án sẽ gây ra các khả năng là trùng tên dự án, gây ra các hiểu nhầm, ngộ nhận, nhầm lẫn giữa dự án này với dự án kia giữa các chủ đầu tư khác nhau, nhất là đối với những dự án có tên gọi bằng tiếng nước ngoài được viết na ná hay phát âm gần giống nhau.