Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với thu nhập lãi thuần 7.245 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ.

Các nguồn thu ngoài lãi có ghi nhận lãi lỗ. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi lên 2.103 tỷ đồng. Còn lại đều suy giảm hoặc thua lỗ.

Cụ thể, hoạt động ngoại hối lỗ tới gần 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 13 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh cũng âm 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 28 tỷ đồng.

Còn lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư suy giảm 34% về mức 332 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 21% về mức 532 tỷ đồng.

Tổng lại, Techcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng tới 6.767 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ.

Kỳ này Techcombank chi tới 627 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp 1,7 lần cùng kỳ.

Dù vậy, Techcombank vẫn ghi nhận lãi ròng tới 4.592 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Techcombank báo lãi lớn năm 2021 nhưng nợ xấu tăng vọt 77%
Một số chỉ tiêu tài chính 2021 của Techcombank

Lũy kế cả năm 2021, thu nhập lãi thuần của Techcombank khá khả quan với 26.698 tỷ đồng, tăng 42%. Đặc biệt, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận tới 231 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vỏn vẹn 745 triệu đồng.

Techcombank tiếp tục chi 2.665 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021, do đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ đạt 18.037 tỷ đồng, tăng 46% so năm trước.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Techcombank tăng 29% lên 568.811 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 347.341 tỷ, tăng 25%. Tiền gửi khách hàng cũng tăng khá 13% lên 314.752 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank từ năm 2012-2021. Đơn vị: Tỷ đồng
Lợi nhuận trước thuế của Techcombank từ năm 2012-2021. Đơn vị: Tỷ đồng

Trong cơ cấu nợ cho vay, nợ xấu của Techcombank kỳ này tăng mạnh 77% lên 2.294 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 755 tỷ đồng, tăng vọt 119% so đầu kỳ. Do đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,46% của đầu kỳ lên 0,66%.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng được dẫn dắt bởi sự gia tăng của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 161.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 16,6% so với cuối năm 2020, đạt 248.500 tỷ đồng.

Tổng tiền gửi tại ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 314.800 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm ngoái. Các nguồn huy động vốn khác như khoản vay hợp vốn và giấy tờ có giá tăng trưởng lành mạnh, lần lượt đạt 27.300 tỷ đồng (tăng 136,6% so với 2020) và 33.700 tỷ đồng (tăng 20,7% so với 2020).

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 4 năm 2021 ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, 162,9%, phản ánh sự thành công trong chiến lược quản trị của ngân hàng để vượt qua bất ổn do đại dịch Covid-19.

Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2.800 tỷ đồng ở cuối quý III/2021.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, giá cổ phiếu TCB ở mức 50.300 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4% trong một tuần qua.