Silicon Valley Bank (SVB) tuyên bố phá sản - FDIC đã đưa ra đề xuất để cứu vãn tình hình
Arnh minh hoạ

Theo CNN, ngày 10/3, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) bị đóng cửa sau khi khách hàng rút tới 42 tỷ USD khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Cơ quan quản lý California (Mỹ) đã đóng cửa SVB. Hiện ngân hàng này bị đặt dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Tài sản của SVB có thể sẽ bị thanh lý để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả những người gửi tiền và chủ nợ.

Tất cả những người đã gửi tiền tại SVB được FDIC đảm bảo vẫn có thể tiếp cận số tiền gửi có bảo hiểm của họ trước ngày 13/3. Những người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB sẽ được trả một khoản “cổ tức tạm ứng” trong tuần tới.

Trước đó, ngày 7/3 SVB tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới. Tới ngày 8/3, cổ phiếu của SVB giảm sâu, khiến cổ phiếu của các ngân hàng khác giảm theo. Sang ngày tiếp theo, cổ phiếu của SVB bị tạm dừng giao dịch, ngân hàng này cũng từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tạm thời ngừng giao dịch cùng ngày, bao gồm First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.

Ông Dennis Kelleher, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Better Markets cho biết: “Tình hình SVB xấu đi nhanh đến mức họ không thể trụ nổi thêm năm tiếng nữa. Bởi vì những người gửi đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa trong ngày là không thể tránh khỏi”.

Sự suy giảm của Silicon Valley Bank một phần là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua.

Vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ một lượng lớn trái phiếu Kho bạc dài hạn. Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của số trái phiếu đó giảm, khiến các ngân hàng phải chịu nhiều khoản lỗ nặng.

Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, Silicon Valley Bank đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, Silicon Valley Bank từng được định giá hơn 44 tỷ USD. Cơ quan quản lý kết luận Silicon Valley Bank đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản không còn đủ lớn để duy trì hoạt động.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ được mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình chậm nhất là trong sáng hôm đó.

Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB là không có bảo hiểm tiền gửi.

Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để sau này chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi.

SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, như Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử hay Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB.

Phần lớn tiền gửi của Roku Inc không có bảo hiểm, khiến giá cổ phiếu của công ty sụt giảm tới 10%.

Chứng khoán phố Wall đã ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 10/3 khi các mã cổ phiếu ngân hàng rung lắc mạnh.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 31.909,96 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 "tuột dốc" 1,5% xuống 3.861,59 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite "bốc hơi" 1,8% xuống còn 11.138,89 điểm.

Trước đó cùng ngày, thị trường chứng khoán châu Âu cũng khép phiên giao dịch trong xu hướng giảm điểm mạnh khi chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,7% xuống 7.748,35 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX của Đức cùng giảm 1,3%, lần lượt xuống còn 7.220,67 điểm và 15.427,97 điểm.

Còn tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 1,7% xuống 28.143,97 điểm; chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 1,4% xuống 3.230,08 điểm; chỉ số Hang Seng (Hong Kong) mất 3% xuống 19.319,92 điểm./.