Theo đó, Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cung cấp hành chính công cấp tỉnh ở tám chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Có 2 tỉnh là Bắc Ninh, Bắc Giang - không đưa vào đánh giá do dữ liệu khảo sát không chính xác.

Các tỉnh/thành phố trong nhóm “cao” gồm 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh/thành phố không tăng so với năm 2021.

Kết quả xếp hạng cụ thể cho thấy Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu, đứng thứ hai là Bình Dương, thứ ba là Thanh Hóa. Cao Bằng là địa phương xếp vị trí cuối.

Bảng kết quả tổng hợp PAPI năm 2022 của các tỉnh, thành.
Bảng kết quả tổng hợp PAPI năm 2022 của các tỉnh, thành.

Theo báo cáo phân tích chung, ở cả 8 trục chỉ số nội dung của bảng xếp hạng PAPI năm 2022, điểm số của Quảng Ninh đều nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc. Trong đó, tỉnh có 4 trục nội dung dẫn đầu toàn quốc. Trong đó, trục “Công khai trong việc ra quyết định với người dân” đạt 6,37 điểm, trục“Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,58 điểm, trục “Thủ tục hành chính công” đạt 7,65 điểm. Cuối cùng, trục Quản trị điện tử đạt 3,70 điểm.

Trước đó, năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc với tổng điểm là 48,88. Trong đó, tỉnh này có đến 7/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất toàn quốc. Năm 2021, Quảng Ninh không được xếp hạng do không có dữ liệu. Ngày hôm qua (11/4), Quảng Ninh cũng mới đón nhận tin vui khi năm thứ 6 liên tiếp được xếp hạng đứng đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI).

So với kết quả PAPI năm 2021, có 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử”.

Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 “Quản trị môi trường”, 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công”.

Chuyên gia nghiên cứu PAPI phân tích một số vấn đề xung quanh kết quả điều tra các trục nội dung và chỉ số thành phần. Ảnh: Báo Đầu tư
Chuyên gia nghiên cứu PAPI phân tích một số vấn đề xung quanh kết quả điều tra các trục nội dung và chỉ số thành phần. Ảnh: Báo Đầu tư

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện công bố.

Đây là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số này được thực hiện lặp lại qua nhiều năm, tập trung thu thập ý kiến của người dân trên phạm vi toàn quốc qua khảo sát xã hội học với quy mô lớn nhất toàn quốc.