UBND thành phố Hà Nội đưa quản lý trật tự xây dựng làm nhiệm vụ hàng đầu, nhưng cấp phường vẫn buông lỏng xử lý

Theo kế hoạch, trong Quý II và Quý III/2022 sẽ kiểm tra UBND các quận, huyện, thị xã: Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, thị xã nêu trên. Thời kỳ kiểm tra tính từ 1/1/2020 đến 31/12/2021.

UBND Hà Nội giao Sở Tư pháp thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quyết định kiểm tra, trong đó, Giám đốc Sở Tư pháp là Trưởng đoàn kiểm tra; thành viên gồm đại diện các Sở, ngành theo đề xuất của Sở Tư pháp.

UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các đơn vị được kiểm tra.

Được biết, quản lý TTXD là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội tập trung giải quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội mới đây ban hành Chỉ thị 03 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, thực trạng xây dựng có nhiều dấu hiệu vi phạm tại điểm nóng quận Thanh Xuân đã và đang tiếp diện từng ngày, từng giờ mà chưa thấy những hành động quyết liệt từ chính quyền các cấp phường, quận...

Quy hoạch thủ đô bị “băm nát” vì những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình và Hạ Đình

Thực trạng, bao chiếm đất nông nghiệp, xây dựng các công trình nhà ở, nhà hàng, mô hình kinh doanh “nở rộ” bỏ mặc những chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội...

Cụ thể, ghi nhận trên địa bàn phường Khương Đình thực trạng dự án hoang phế, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, mua bán đất nông nghiệp trái pháp luật... đã và đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp.

Tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), bên trong dự án bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân sau hàng chục năm chỉ có duy nhất một công trình là nhà điều hành cấp 4. Và ngay bên cạnh đó và dự án đường Vành đai 2,5 bị chiếm dụng làm hàng loạt sân bóng được đầu tư bài bản và hoạt động trong suốt một thời gian dài.
Tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), bên trong dự án bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân sau hàng chục năm chỉ có duy nhất một công trình là nhà điều hành cấp 4. Và ngay bên cạnh đó và dự án đường Vành đai 2,5 bị chiếm dụng làm hàng loạt sân bóng được đầu tư bài bản và hoạt động trong suốt một thời gian dài.

Như tại dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân địa chỉ tại khu A tổ 8 ngõ 207 Bùi Xương Trạch (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân) có tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch là 18.740m2, diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 15.457m2 và được phê duyệt với quy mô 200 giường đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng III. Tổng số vốn đầu tư ước khoảng 270 tỷ đồng.

Được biết, vào năm 2009, Liên danh Công ty Cổ phần Y khoa Đức Việt, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Trí Đức đã trúng thầu dự án. Thời gian đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào vận hành khai thác là 34 tháng kể từ ngày được bàn giao đất. Đến năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao mốc và biên bản xác định mốc giới. Ngày 3/7/2012, sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, bệnh viện đa khoa Thanh Xuân được chuyển giao cho chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân thay thế liên danh cũ.

Nhưng đã hàng chục năm trôi qua, công trình duy xuất hiện trong dự án bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân chỉ là một dãy nhà điều hành cấp 4.

Và bên cạnh dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân đang bị bỏ hoang là nút giao đường Vành đai 2,5 và đường Tôn Thất Tùng cũng đang chậm tiến độ. Đáng chú ý, một phần diện tích đường vành đai 2,5 chậm tiến độ bên cạnh bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân đang bị sử dụng làm nhiều sân bóng được đầu tư công phu với thảm cỏ nhân tạo, hệ thống ánh sáng công suất cao và căng tin bia tươi...

Hàng loạt công trình cao tầng, kiên cố có dấu hiệu xây dựng trên đất nông nghiệp xuất hiện với tần suất dày đặc trên địa bàn phường Khương Đình trong suốt những năm qua.
Hàng loạt công trình cao tầng, kiên cố có dấu hiệu xây dựng trên đất nông nghiệp xuất hiện với tần suất dày đặc trên địa bàn phường Khương Đình trong suốt những năm qua.

Không những thế, tại ngõ 207, ngõ 271 đường Bùi Xương Trạch phường Khương Đình đã xuất hiện nhiều công trình kiên cố, xây dựng dạng nhà ở cấp 4, nhà 2 tầng được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp... gây tác động tiêu cực nặng nề tới quy hoạch quận Thanh Xuân nói riêng và quy hoạch Thủ đô nói chung. Đồng thời, tác động trực tiếp đến môi trường khi vấn nạn rác thải, nguồn nước, không khi bị ô nhiễm trầm trọng.

Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin: "Trên thực tế, nhiều hộ gia đình có nhu cầu tách hộ nhưng không thể đủ điều kiện để mua đất giãn dân đã dẫn đến tình cảnh “làm liều” xây dựng trên đất nông nghiệp. Cùng với đó, tình trạng một số cán bộ bao che, tiếp tay cho sai phạm để thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, khi xử lý cùng một vi phạm thì hiện còn có sự chồng chéo giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về thời gian xử lý cưỡng chế vi phạm. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách tạo điều kiện cho người dân có thể mua được đất giãn dân, tái định cư với mức giá phù hợp. Đồng thời sửa đổi để có sự dung hòa giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Dựa trên các quy định pháp luật, cơ quan cấp trên thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có".

Trong quá trình thực hiện chuyên đề “Bảo đảm môi trường sống khu dân cư: Góc nhìn từ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe đời sống người dân” khảo sát thực tế tại quận Thanh Xuân, phóng viên tạp chí Sức khoẻ & Môi trường đã thực hiện liên hệ kèm theo nội dung thông tin mong muốn được tiếp cận với UBND quận Thanh Xuân và UBND các phường Khương Đình và Hạ Đình nhưng vẫn đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các đơn vị trên.

Được biết vào tháng 02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.