Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra ngày 24/4/2021, đại diện Ban lãnh đạo Pvcombank cho biết, năm 2020, doanh thu hợp nhất của PVcomBank đạt 13.298 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 73,6 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm. Doanh thu ngân hàng mẹ đạt 13.123 tỷ đồng, bằng 137% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ đạt 66,2 tỷ đồng, bằng 137% kế hoạch năm. Tổng tài sản tính đến 31/12/2020 của PVcomBank đạt 180.567 tỷ đồng, tăng 10% so với 31/12/2019.

Cũng theo Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, hoạt động chính của Ngân hàng sụt giảm, chỉ đem về gần 1,640 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 6% so với năm 2019. Trong khi đó, một số nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng so với năm trước như thu từ dịch vụ (+27%), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (gấp 2,6 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (+26%)… Dù chi phí dự phòng giảm nhẹ 1% so với năm trước (378 tỷ đồng), PVcomBank vẫn báo lãi trước thuế năm 2020 giảm 64%, chỉ còn gần 76 tỷ đồng.

PVcombank lỗ gần 500 tỉ đồng năm 2020 nếu hạch toán đúng quy định?
PVcombank lỗ gần 500 tỉ đồng năm 2020 nếu hạch toán đúng quy định?

Thế nhưng, đáng chú ý, báo cáo kiểm toán độc lộc số 190421.002/BCTC.KT1 của Công ty kiểm toán AASC đã đưa ra 7 ý kiến ngoại trừ, cho rằng, ngân hàng này có thể đã bị lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm 2020 nếu hạch toán đúng theo quy định.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2020, Ngân hàng chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. Theo đó, ngoại trừ các khoản cho vay được giữ nguyên nhóm nợ theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016-2020 và các khoản cho vay được giữ nguyên nhóm nợ, thu hồi nợ, trích lập dự phòng, thoái thu lãi theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng đến năm 2030, số dự phòng rủi ro cho vay và lãi thoái thu cần ghi nhận bổ sung tại ngày 31/12/2020 lần lượt là 821.490 triệu đồng và 1.215.234 triệu đồng (31/12/2019 là: 770.104 triệu đồng và 725.431 triệu đồng).

Cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ của Công ty Kiểm toán AASC
Cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ của Công ty Kiểm toán AASC

Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro cho vay và ứng trước cho khách hàng” sẽ tăng lên số tiền 821.490 triệu đồng, chỉ tiêu “các khoản lãi, phí phải thu” và chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi số tiền lần lượt là 1.215.234 triệu đồng và 2.036.724 triệu đồng; trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2020, chỉ tiêu “tổng lợi nhuận trước thuế” sẽ giảm đi số tiền là 541.189 triệu đồng.

Tại ngày 31/12/2020, Ngân hàng chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết theo quy định hiện hành. Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro chứng khoán kinh doanh” và chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư” sẽ tăng lên số tiền lần lượt là 25.760 triệu đồng và 109.361 triệu đồng, chỉ tiêu “Các khoản lãi, phí phải thu” và chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi số tiền lần lượt là 27.213 triệu đồng và 162.334 triệu đồng; trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2020, chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận trước thuế” sẽ tăng lên số tiền là 64.541 triệu đồng.

Tại ngày 31/12/2020, Ngân hàng chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội dung khác đầy đủ theo quy định hiện hành. Theo đó, nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Các khoản dự phòng rủi ro cho các tài sản Có nội bảng khác” sẽ tăng lên và chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi cùng số tiền là 253.924 triệu đồng; trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2020, chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận trước thuế” sẽ giảm đi số tiền là 130.262 triệu đồng.

PVcombank từng vướng phải một vụ lùm xùm kiện tụng 70 tỉ đồng
PVcombank từng vướng phải một vụ lùm xùm kiện tụng 70 tỉ đồng

Trong năm 2017, PvcomBank thực hiện ghi nhận một số khoản thu nhập từ bán một số khoản đầu tư chứng khoán vốn và khoản đầu tư dài hạn chưa thỏa mãn các điều kiện ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác, do chưa chuyển giao các rủi ro từ nắm giữ các cổ phần này. Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán”, chỉ tiêu “Đầu tư dài hạn khác” và chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn” tăng lên lần lượt là 51.421 triệu đồng, 11.500 triệu đồng và 2.330 triệu đồng, chỉ tiêu “Các khoản phải thu” và chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi số tiền lần lượt là 160.102 triệu đồng và 100.511 triệu đồng; trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2020, chỉ tiêu “Tổng lợi nhuận trước thuế” tăng lên 37.556 triệu đồng.

Như vậy, theo tính toán, nếu hạch toán đúng quy định hiện hành, tổng lợi nhuận trước thuế của PVcomBank năm 2020 sẽ giảm 569,354 tỷ đồng. Đồng thời, PVcomBank có thể sẽ lỗ trước thuế gần 494 tỷ đồng trong năm 2020 chứ không phải có lãi gần 76 tỷ đồng như trong bản Báo cáo tài chính công bố trước đó.

Báo cáo Kiểm toán độc lập của AASC chỉ ra nhiều điểm ngoại trừ trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của PVcomBank nhiều con số số “chưa thể xác định” Báo cáo tài chính ghi nhận một khoản phải thu liên quan đến giá trị chuyển nhượng một khoản đầu tư dài hạn của ngân hàng với số tiền 727,872 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập dự phòng phải thu 161.000 triệu đồng đối với khoản phải thu này. Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán độc lập cho biết “chưa thể xác định được khả năng thu hồi đầy đủ của khoản phải thu này”, nên không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Đến thời điểm lập Báo cáo tài chính hợp nhất này, phương án cơ cấu lại của Ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ, đang lấy ý kiến các Bộ, Ngành có liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đơn vị kiểm toán AASC không thể xác điịnh liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu có liên quan do áp dụng chính sách kế toán riêng theo Phương án cơ cấu lại này hay không.

Một vấn đề khác nữa là Pvcombanl nhận bàn giao tài sản bảo đảm để cấn trừ nợ của một khoản trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết với tổng giá trị tài sản bảo đảm được cấn trừ nợ là 736.680 triệu đồng và ghi nhận thu nhập phát sinh từ giao dịch này là 240.204 triệu đồng. Theo đó, AASC cũng chưa thể xác định được giá trị lợi ích kinh tế sẽ thu được từ giao dịch này, cũng như chưa khẳng định được việc ghi nhận thu nhập này có đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam hay không.

Báo cáo của Công ty AASC cũng nhấn mạnh PVcomBank đang ghi nhận khoản phải thu 145.407 triệu đồng từ Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và 13.996 triệu đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, các thủ tục nghiệm thu và quyết toán giữa các bên chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để các bên thanh toán hoàn trả khoản phải thu cho PVcomBank.

Ngoài ra, Báo cáo kiểm toán độc lập cho biết ngân hàng đã áp dụng chính sách kế toán riêng trong đề xuất được nêu trong Phương án cơ cấu lại đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt liên quan đến phân loại nợ, thu hồi nợ và trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Theo Báo cáo kiểm toán độc lập của AASC cho thấy, phương án này mới chỉ được Ngân hàng Nhà nước thông qua nội dung để trình Thủ tướng, chưa có quyết định chính thức.

Trước đó, liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt 70 tỉ tại Ngân hàng Pvcombank Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Pvcombank chi nhánh Đồng Nai cùng với nhân viên, khách hàng và một giám đốc công ty xuất nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng của 2 khách hàng khác.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đó, nhận được đơn tố giác tội phạm của bà Lê Thị Xuân Bích (40 tuổi) và ông Trấn Bá Thắng (28 tuổi, cùng ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Nội dung đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng) và bà Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên) thuộc của PVcombank Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Giám đốc Công ty CP Đầu tư XNK Hoàng Kim), ông Trần Trung Nam là khách hàng của PVcombank Đồng Nai có hành vi “chiếm đoạt” số tiền hơn 70 tỉ đồng.

Sau khi nhận đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra và xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tiến hành khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.