Tiên phong mở cụm dịch vụ tiện ích bên trong bệnh viện tại Hà Nội

Ngày 4/10, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa khai trương cụm dịch vụ tiện ích gồm các dịch vụ căng tin, cà phê, siêu thị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Dịch vụ căng tin này có công suất phục vụ 1.600 khách hàng, 4.500 suất ăn mỗi ngày, bao gồm cả ngày cuối tuần và ngày lễ. Bên cạnh đó, cụm dịch vụ này còn có quán cà phê và siêu thị.

Trong đó, quán cà phê với thương hiệu Cà phê The Coffee Inn chuyên cung cấp những món ăn nhẹ như bún, miến, phở, phục vụ cho nhu cầu cà phê và giải khát. Ngoài ra, những siêu thị tiện ích sẽ bán những đồ dùng thiết yếu dành cho bệnh nhân và người nhà.

Trước khi bán suất ăn và cà phê trong Bệnh viện Bạch Mai "ông lớn" F&B Golden Gate kinh doanh ra sao?
Dự án đầu tiên của Golden Gate tại Bệnh viện Bạch Mai gồm có căng tin với công suất phục vụ lên đến 1.600 khách hàng, 4.500 suất ăn mỗi ngày.

Theo Golden Gate, công ty chính là đơn vị đầu tiên mở cụm dịch vụ tiện ích ở bên trong bệnh viện tại Hà Nội. Dự kiến, ông lớn ngành F&B này sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này đến những bệnh viện tuyến cuối ở nhiều thành phố lớn cũng như các địa phương có lưu lượng người khám chữa bệnh cao.

Bệnh viện Bạch Mai trước đây không có đơn vị cung cấp suất ăn mà chỉ có trung tâm dinh dưỡng lâm sàng và sử dụng suất ăn bệnh lý được lấy từ những đơn vị khác. Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ - bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viện đã tiến hành đấu thầu một cách công khai, sau đó Golden Gate đã trở thành đơn vị trúng thầu.

Chủ sở hữu hơn 22 thương hiệu

Thành lập từ năm 2005, Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm: Lẩu, Nướng, Á, Âu và quán cà phê. Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm và vẫn đang không ngừng nỗ lực phát triển hơn. Những thương hiệu chính của Golden Gate được nhiều người biết đến, bao gồm: Gogi House, Hutong, Manwah, Kichi-Kichi cùng với SumoBBQ,…

Tính đến ngày 31/12/2020, Golden Gate có số vốn cổ phần 76,34 tỷ đồng, chia làm 7,634 triệu cổ phần. Cụ thể: 3 cổ đông sáng lập là ông Đào Thế Vinh nắm giữ 782.597 cổ phiếu tương đương với tỷ lệ sở hữu 10,2%, ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT) sở hữu 4,43% và ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng Giám đốc) sở hữu 3,98%. Ông Đào Thế Vinh hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.

Ngoài ra, hơn 82,14% cổ phần của Golden Gate do 2 tổ chức nắm giữ là: CTCP Golden Gate Partners (nắm giữ 44,22%) và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (nắm giữ 37,92%). Phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ khác sở hữu.

Trong đó, Công ty Cổ phần Golden Gate Partners thành lập từ tháng 6/2014, vốn có nhiều mối liên hệ với nhóm cổ đông sáng lập Golden Gate, hiện do ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc; còn Prosperity Food Concepts Pte Ltd là một công ty được thành lập tại Singapore.

Golden Gate được thành lập vào năm 2005 với nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội là nhà hàng lẩu nấm Ashima. Tập đoàn hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Trước khi bán suất ăn và cà phê trong Bệnh viện Bạch Mai "ông lớn" F&B Golden Gate kinh doanh ra sao?
Ban Lãnh đạo của Golden Gate.

Có thể nói sự phát triển lớn mạnh của Golden Gate hiện nay có phần đóng góp không nhỏ của doanh nhân sinh năm 1972, ông Đào Thế Vinh. Theo các tài liệu, ông Vinh học chuyên ngành Dự báo mô hình số trị, Trường ĐH Quốc gia Khí tượng thủy văn, TP. Saint Peterburg, CHLB Nga. Sau khi về nước, ông từng giữa chức vụ Phó Giám đốc phụ trách Marketing sau đó là CEO của công ty cổ phần Eco - Product, chuyên đóng gói và phân phối trà túi lọc Cozy.

Cuối năm 2005, ông bắt đầu mở nhà hàng lẩu nấm Ashima đầu tiên tại Hà Nội và một năm sau mở tại TP HCM. Cơ duyên quyết định mở nhà hàng lẩu nấm đến với ông Vinh nhờ một chuyến đi Shangrila (Trung Quốc). Lần đầu tiên, ông Vinh được nếm thử món lẩu nấm đặc sản ở đây. Vị ngọt thanh nhẹ của nước dùng kết hợp với các loại nấm bổ dưỡng đã làm cho ông Vinh quyết định mở nhà hàng lẩu nấm tại Hà Nội với tên Ashima.

Tuy nhiên, Golden Gate chỉ thực sự tăng trưởng nhanh khi ra mắt hai thương hiệu là lẩu băng chuyền Kichi-Kichi và SumoBBQ. Sau đó, công ty đã phát triển nhanh chóng và nâng số nhà hàng hiện nay lên gần 400 với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gogi House, Hutong, Manwah… và được mệnh danh là ‘ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Golden Gate vẫn đạt 76,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông đã có sự thay đổi, cụ thể: Công ty CP Golden Gate Partners (44,22% cổ phần), Công ty TNHH Prosperity Food Concepts (32,92% cổ phần), ông Đào Thế Vinh (5,11% cổ phần), ông Trần Việt Trung (4,43% cổ phần), ông Nguyễn Xuân Tường (3,98% cổ phần), các cổ đông khác (8,53% cổ phần) và cổ phiếu quỹ (0,81% cổ phần).

Ông Trần Việt Trung là một trong 3 nhà sáng lập của Golden Gate, hiện là Chủ tịch HĐQT. Hai nhà sáng lập khác là Đào Thế Vinh và Nguyễn Xuân Trường lần lượt đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc.

Giữa tháng 3, hàng loạt cổ đông của Golden Gate tiến hành thoái vốn, điển hình như Công ty TNHH Prosperity Food Concepts bán ra toàn bộ hơn 2,513 triệu cổ phần; ông Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần (2,12% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,306%; ông Nguyễn Xuân Trường bán 69.373 cổ phần (0,909% vốn điều lệ), giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 3,075%.

Ba cổ đông lớn giao dịch tổng cộng 2,744 triệu cổ phần, tương đương 35,95% vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, số cổ phần sẽ được sang tay 3 cổ đông khác là Teamasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd.

Vào cuối năm ngoái, ông Đào Thế Vinh cũng chuyển nhượng 371.139 cổ phần (4,86% vốn điều lệ) theo hình thức thỏa thuận).

Trước khi bán suất ăn và cà phê trong Bệnh viện Bạch Mai "ông lớn" F&B Golden Gate kinh doanh ra sao?
Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi…

Từng tăng trưởng một cách thần tốc nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng phải đóng cửa dẫn đến doanh thu của các công ty như Golden Gate sụt giảm đáng kể. Năm ngoái, doanh thu thuần của Golden Gate xấp xỉ 4.560 tỷ đồng, giảm khoảng 5%; lãi sau thuế đạt 64,9 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với 2019.

Trong năm 2021, cũng do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động kinh doanh của toàn chuỗi cửa hàng lẩu, nướng, bia tươi do Golden Gate vận hành đều bị thu hẹp. Trong đó, công ty này ghi nhận 3.318 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với năm liền trước và là năm thứ hai bị thu hẹp doanh số.

Cùng năm, công ty vẫn có lợi nhuận gộp đạt hơn 1.926 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của chủ chuỗi nhà hàng Vuvuzela, Kichi Kichi, Gogi... lại báo số âm 431 tỷ đồng. Năm nay, lãnh đạo công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 7.002 tỷ đồng, cao kỷ lục còn lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng.

Mới đây, lãnh đạo Golden Gate cũng cho biết đã có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, nâng con số tổng cộng lên trên 1.000 điểm và hướng tới doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới.

Golden Gate bị phạt 435 triệu đồng

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt hành chính tổng 435 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, UBCKNN phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.

Trước đó vào năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

Để khắc phục hậu quả, UBCKNN yêu cầu Golden Gate nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/7.