Giảm 2% thuế VAT

Hôm 24/6, Quốc hội thông qua nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, trong đó quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43 năm 2022. Việc giảm thuế được thực hiện từ 1/7 đến hết năm 2023.

Như vậy, thuế VAT sẽ giảm từ 10% về 8%. Nhưng theo Nghị quyết 43, việc giảm thuế sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm 2% thuế VAT sẽ trực tiếp làm giảm giá thành, kích thích tiêu thụ sản phẩm, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Những chính sách mới nổi bậtcó hiệu lực từ 1/7/2023
Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ 1/7/2023

Thực hiện đấu giá biển số ô tô từ 1/7

Từ 1/7, Nghị định 39 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô có hiệu lực. Theo đó, người dân được cạnh tranh, chọn biển số như mong muốn.

Nghị định nêu rõ, việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản truy cập, được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung khác trên trang thông tin đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá.

Người tham gia đấu giá được lựa chọn biển số ô tô theo nhu cầu trong danh sách biển số đưa ra đấu giá của 63 tỉnh, thành phố.

Cũng theo Nghị định 39, người chưa có ô tô vẫn được tham gia đấu giá biển số. Nhưng trong 12 tháng, họ phải thực hiện thủ tục đăng ký ô tô để gắn biển số. Trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, thời hạn này được kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Theo Nghị định số 27 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, từ ngày 15/7, trường hợp HĐND cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của HĐND cấp tỉnh.

Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của UBND cấp tỉnh.

Chậm nhất đến ngày HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, UBND cấp tỉnh phải ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan viện dẫn tại nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Tăng lương cơ sở đối với 9 nhóm đối tượng

Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, lương cơ sở chính thức được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7.

Theo nghị định, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ 1/7, điển hình như cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an...

Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính nhiều chế độ. Cụ thể: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Chính sách mới về tinh giản biên chế

Ngày 3/6, Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7 và áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Nghị định quy định rõ 3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Nhóm thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc trường hợp dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Nhóm thứ hai là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị.

Nhóm thứ ba là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Nghị định quy định rõ các chính sách tinh giản biên chế: Chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 24/2023 của Chính phủ, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7.

Mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trật Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chính phủ ban hành Nghị định 13/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/7.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Trong đó, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định (Điều 4).

Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.