Hoạt động biểu diễn trong quán bar, cà phê… đang bị buông lỏng

Qua khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều quán bar, cà phê và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ khách như vũ công nhảy múa, DJ chơi nhạc sử dụng các sản phẩm âm nhạc từ trong nước tới quốc tế. Trong khi đó theo quy định hiện hành, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không bán vé thì không cần xin phép, thẩm định, phê duyệt… nhưng thực tế nói là không bán vé nhưng thực ra các cơ sở kinh doanh này đã tính tiền vé vào giá thức ăn, nước uống…

Một nhà hàng ở Thái Thịnh (Hà Nội) có vũ công biểu diễn, DJ chơi nhạc.
Một nhà hàng ở phố Thái Thịnh (Hà Nội) có vũ công biểu diễn, DJ chơi nhạc sử dụng nhiều sản phẩm âm nhạc trong và ngoài nước.

Những hoạt động này đang gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân xung quanh mà cơ quan quản lý nghệ thuật lại không có chế tài xử phạt, không có cơ sở để xử lý.

Đáng chú ý, vi phạm bản quyền âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh này không chỉ gây hại cho nhà phát hành mà còn tổn hại đến nền kinh tế khi ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Thực tế trên cũng đã liên tục được các chuyên gia cảnh báo trong thời gian qua. Theo Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, hiện nay việc vi phạm bản quyền đã diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. Kết quả nghiên cứu cho hay, 38% người tham gia khảo sát cho biết vi phạm bản quyền trực tuyến có tác động tiêu cực tới Việt Nam; 36% người dùng nhận thấy những hành vi vi phạm bản quyền sẽ tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động kinh tế xã hội.

Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế, mà Việt Nam là thành viên cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, song tình trạng xâm phạm quyền tác giả vẫn đang ở mức báo động. Các hành vi từ xâm phạm quyền tài sản, quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm, đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… diễn ra tràn lan.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, bài hát cần có đời sống, vì thế các cá nhân/ tổ chức sử dụng tác phẩm vào mục đích lan tỏa, phi lợi nhuận, nhưng không có nghĩa là dùng miễn phí khi khai thác vì mục đích thương mại. Khi đã kinh doanh, nghĩa là sản phẩm đem lại quyền lợi vật chất, thì quyền tác giả được kích hoạt và việc phải trả phí tác quyền là đương nhiên.

Nhiều bất cập về bản quyền âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh bar, pub trên địa bàn Hà Nội

Cuối tháng 10/2023, công an quận Hoàn Kiếm qua kiểm tra cho biết tại các cơ sở kinh doanh như Beddy 18 Lý Thường Kiệt, Fame 25 Ngô Văn Sở chưa xuất trình thông báo biểu diễn hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (điểm c,d khoản 2 điều 11 nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Đến tháng 11/2023, Tổ đặc biệt 14 và Công an quận Hoàn Kiếm đã điều động lực lượng tới kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh The Circle số 31-33 Mã Mây (đối diện UBND phường Hàng Buồm) và phát hiện 1 bình khí N2O (khí cười) 20kg, khoảng 500 vỏ bóng.

Không những thế, qua khảo sát trực tiếp của phóng viên cũng phát hiện tại cơ sở kinh doanh The Circle số 31-33 Mã Mây có DJ chơi nhạc phối lại các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trong nước và quốc tế, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhiều tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm bản quyền tại không ít cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội
Phát hiện 1 bình khí N2O (khí cười) 20kg, khoảng 500 vỏ bóng tại The Circle số 31-33 Mã Mây.

Đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) về trật tự xã hội (TTXH) - Công an Quận Hoàn Kiếm cho biết, tổ công tác đã lập biên bản đối với cơ sở kinh doanh 31 – 33 Mã Mây và tiến hành xử lý theo trình tự pháp luật.

Đến ngày 16/11/2023, cơ sở kinh doanh The Circle số 31-33 Mã Mây (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) đã bị xử phạt với số tiền là 48.000.000 VNĐ.

Nhưng đến đêm 28/12/2023, khi lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra đột xuất The Circle số 31-33 Mã Mây thì một lần nữa phát hiện cơ sở kinh doanh này kinh doanh bóng cười.

Theo biên bản sự việc được lập vào 23h55 ngày 28/12/2023, lực lượng chức năng khi kiểm tra cơ sở kinh doanh 31 – 33 Mã Mây đã phát hiện trên tầng 3 tại đây có hiện tượng khách sử dụng bóng bơm khí N20. Tiếp tục kiểm tra tại vị trí kho tầng 2 của cơ sở phát hiện bình kim loai xanh, đại diện cơ sở kinh doanh là ông T.A cho biết cơ sở mua 01 bình khí N2O để bơm vào bóng rồi bán cho khách.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Đội cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) về trật tự xã hội (TTXH) quận Hoàn Kiếm cho biết cũng đã đề xuất rút giấy phép kinh doanh của cơ sở này vì đã tái phạm nhiều lần lỗi kinh doanh khí N2O trái phép.

Đáng nói, dù quán bar The Circle số 31-33 Mã Mây nằm đối diện trụ sở UBND phường Hàng Buồm thế nhưng việc kinh doanh có nhiều hành vi vi phạm quy định của pháp luật lại liên tục tái diễn.

Cơ sở kinh doanh quán bar The Circle số 31-33 Mã Mây do Công ty TNHH Hoàng An Nhiên sở hữu đã từng bị xử phạt sau tông tin báo chí phản ánh vào tháng 11/2023.
Qua khảo sát tại thực tế tại quán bar The Circle 31 - 33 Mã Mây, phóng viên phát hiện cơ sở kinh doanh này sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc trong nước và quốc tế có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

Mức xử phạt vi phạm bản quyền phải chăng còn thấp?

Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo đang trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019.

Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài từ các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng, cũng như những thiếu sót trong khuôn khổ pháp lý hiện hành về bản quyền có thể gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định, thực trạng hành vi xâm phạm quyền xảy ra rất phổ biến hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang dần trở nên thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo.

Bởi cơ hội thu được lợi ích và lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối các sản phẩm của các nghệ sĩ, người làm sáng tạo, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sáng tạo đang giảm xuống; phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sáng tạo đặc thù như ngành thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, nếu không nhìn nhận đúng giá trị của các tài sản sáng tạo và không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hành vi xâm phạm bản quyền có thể là nguy cơ lớn dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Trong khi đó, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng, hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả còn thấp, chưa đủ tính răn đe; thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm hiện nay xảy ra khá phổ biến, thực hiện với quy mô lớn và thường xuyên dưới hình thức kinh doanh thương mại, tuy nhiên mức phạt hiện nay không tương ứng được với mức độ vi phạm và thiệt hại mà các đơn vị này gây ra cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong mọi trường hợp giới hạn quyền, các quy định của pháp luật cần phải đảm bảo được quyền thỏa thuận công bằng giữa hai bên là chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng, đảm bảo quyền được nhận thù lao xứng đáng của tác giả dù trong bất kỳ điều kiện nào theo đúng tinh thần công ước Berne. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số.

Việc xử phạt cũng cần sửa đổi, tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quy định thêm về các hình thức xử phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe, góp phần ngăn ngừa hành vi xâm phạm và hậu quả xảy ra. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ thì các luật chuyên ngành có liên quan cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên internet để có cơ sở pháp lý bảo hộ hiệu quả hơn.

Cụ thể, cần phải bổ sung vào pháp luật hình sự những điều khoản quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số. Cần phải quy định thêm các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng trong môi trường kỹ thuật số và các văn bản hướng dẫn chi tiết trong việc quy định trách nhiệm của các nhà cung ứng dịch vụ Internet, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở để xử lý vi phạm. Đối với các website và ứng dụng có máy chủ đặt ở nước ngoài hoặc sử dụng tên miền nước ngoài thì biện pháp khả thi nhất là ngăn chặn truy cập. Song để thực hiện được điều này thì cần quy trình hết sức phức tạp. Vì vậy, cần thiết có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để việc thực hiện biện pháp này thuận tiện hơn.

Cùng với đó, cần nghiên cứu về hướng tách Luật Bản quyền tác giả. Đây là hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Việt Nam cần nghiên cứu và có sự chuẩn bị, đến thời điểm phù hợp và sớm nhất có thể thì tiến hành tách Luật Bản quyền tác giả để ban hành riêng, trở thành luật chuyên ngành độc lập theo thông lệ quốc tế, giúp cho việc triển khai, áp dụng luật được hiệu quả trên thực tế.