Đề nghị thu hồi giấy phép của VTM nếu không có phương án tái cơ cấu hợp lý

Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương đã kiểm tra hai dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai và Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM) tại tỉnh Lào Cai.

Tại buổi làm việc sau khi đi kiểm tra hai dự án, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhận định dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), các bên liên doanh làm việc chưa chuyên nghiệp, mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả dẫn tới thua lỗ.

Nhà máy gang thép Lào Cai sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không có phương án tái cơ cấu hợp lý
Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC). Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị đến hết thời hạn khai thác mỏ (31/12/2022) sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không có phương án tái cơ cấu hợp lý.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ý kiến của đại diện một số bộ, ban, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, đối với dự án Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), các bên liên doanh cần có sự thống nhất về phương án tái cơ cấu để các bộ, ngành, Chính phủ có căn cứ đưa ra quyết định.

Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại cuộc họp về tái cơ cấu các dự án yếu kém của ngành Công thương được tổ chức trước đó vào ngày 15/7/2022 và yêu cầu đến ngày 30/8 phải có phương án rõ ràng kể cả về giấy phép khai thác mỏ, các hoạt động liên doanh về phía Việt Nam để báo cáo với Thường trực Chính phủ có phương án về việc xử lý tái cơ cấu dự án VTM.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5.

Hiện nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC). Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Tuy nhiên, phía Tổng Công ty Thép Việt Nam đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.

Liên quan đến Đề án tái cơ cấu VTM, đại diện phía đối tác KISC - Trung Quốc đề nghị xây dựng đề án tái cơ cấu theo quy định giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

Về giấy phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn hoặc cấp lại cho dự án. Trường hợp Việt Nam không đồng ý giao phía đối tác liên doanh toàn quyền vận hành dự án thì đối tác này cũng đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp để tạo điều kiện cho VTM phát triển.

Dự án nhà máy gang thép Lào Cai hoạt động ra sao?

Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án mỏ sắt Quý Xa do Công ty liên doanh do Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) làm chủ đầu tư.

Được biết, VTM là Công ty liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Công ty TNHH cổ phần khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - Trung Quốc (KISC). VTM có vốn điều lệ 52,5 triệu USD, được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (chiếm 46,85%), Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai (chiếm 8,15%) và Công ty hữu hạn khống chế Cổ phần gang thép Côn Minh-Trung Quốc (chiếm 45%).

Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động dự án gánh lỗ nghìn tỷ vì hoạt động kém hiệu quả. Dự án này là một trong 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ nặng của ngành Công thương.

Qua thanh tra dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án khai thách quặng mỏ sắt Quỹ Xa cuối năm 2017, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, khuyết điểm của dự án.

Thực hiện kết luận thanh tra nói trên và các văn bản có liên quan của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam vừa tiến hành kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc đầu tư xây dựng Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và Dự án mỏ sắt Quý Xa.

Cụ thể, Vnsteel đã thực hiện kiểm điểm bộ phận đại diện vốn Tổng công ty tại VTM, các ban của Tổng công ty có liên quan như Ban quản lý đầu tư, Ban tài chính kế toán, Ban Kỹ thuật.

Đồng thời kiểm điểm Ban Tổng giám đốc Tổng công ty và Hội đồng quản trị Tổng công ty. Trên cơ sở góp ý của đại diện Bộ Công thương tại cuộc họp kiểm điểm hội đồng quản trị Tổng công ty ngày 24/1/2018, Tổng công ty sẽ tiến hành kiểm điểm bổ sung các cá nhân có liên quan từ khi bắt đầu triển khai dự án đến nay.

Trước đó, kết luận thanh tra cho thấy quá trình xây dựng, đàm phán, ký kết hợp đồng liên doanh và điều lệ của VTM tại dự án nói trên vẫn còn một số ý kiến của các bộ ngành tham gia chưa được tiếp thu, sửa đổi. Do vậy đã dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh của VTM.

Nội dung liên doanh và điều lệ của VTM còn một số tồn tại, hạn chế như việc xuất khẩu quặng sắt Quý Xa giao cho KISC đã làm giảm tính chủ động của VTM trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, quy định toàn bộ dự án đầu tư ra bên ngoài trên 200 nghìn USD và hạng mục kinh doanh nội bộ trên 100 nghìn USD phải được sự nhất trí tuyệt đối của các bên khiến việc thực hiện khó khăn.

Đối với việc đầu tư và xây dựng dự án, VTM tổ chức lập dự án ban đầu chưa đảm bảo đầy đủ theo quy trình, giá trị phê duyệt dự án dựa trên khái toán của báo cáo đầu tư để phê duyệt tại dự án tại Quyết định số 04 ngày 14/6/2007, dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, lập và phê duyệt lại dự án làm tăng tổng mức đầu tư so với ban đầu.

Ngoài ra triển khai việc tổ chức điều chỉnh dự án diễn ra chậm dẫn đến khi đầu tư bị trượt giá, mất cơ hội tốt để đưa sản phẩm ra thị trường.

Kết quả thanh tra cũng cho biết dự án bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm sau khi đưa vào hoạt động. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế 1.188 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch, trong 2 năm đầu khi Nhà máy gang thép đi vào hoạt động, VTM được phép lỗ theo kế hoạch 555 tỷ đồng.

Dự án cũng thua lỗ do lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư.

Cơ quan Thanh tra cũng nêu rõ: các đơn vị tư vấn thiết có trách nhiệm trong việc chưa tiên lượng được thực tế hiện trạng, chỉ dựa trên kết quả khảo sát bước thiết kế cơ sở để thiết kế và tính toán. Việc xác định phương án kiến trúc, quy mô của công trình chưa chính xác ở bước thiết kế cơ sở, dẫn đến việc bước thiết kế bản vẽ thi công phải điều chỉnh quy mô để đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Đối với viện thiết kế luyện kim mầu Côn Minh Trung Quốc, Thanh tra tỉnh Lào Cai cho rằng đơn vị này phải chịu trách nhiệm về công tác lập hồ sơ thiết kế hạng mục xưởng nghiền trong đó phần dây chuyền công nghệ lựa chọn chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung công nghệ.

Qua các nội dung thanh tra đã nêu ở trên, Thanh tra tỉnh Lào Cai yêu cầu VTM nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, khuyết điểm trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai.

Đồng thời lập phương án cụ thể khắc phục tình trang thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động và những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra cần đẩy nhanh việc đàm phán với đối tác Trung Quốc để sửa đổi Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh cho phù hợp với thực tế và quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy gang thép Lào Cai gặp nhiều khó khăn, lỗ 116 tỷ đồng, hiện đã dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022 do không có quặng sắt để sản xuất. Được biết, dự án này sẽ khôi phục sản xuất trở lại từ ngày 1/8 tới đây. Trong trường hợp không thể khôi phục lại sản xuất, dự kiến cả năm 2022 lỗ khoảng 431 tỷ đồng.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, khó khăn nhất là vấn đề xác định sản lượng khai thác của mỏ Quý Xa sau khi được gia hạn thời gian khai thác. Tổng Công ty đề xuất phương án khai thác từ 800.000-1 triệu tấn/năm để phù hợp với sản lượng luyện kim của Nhà máy này.

Tuy nhiên, Công ty khoáng sản Lào Cai (Lamico) và phía đối tác Trung Quốc đề nghị khai thác với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn phục vụ sản xuất của nhà máy, 2 triệu tấn tiêu thụ trên thị trường trong nước.

VietinBank từng cung cấp tín dụng 2.242 tỷ đồng cho dự án VTM

Theo báo Công thương vào ngày 13/6/2011, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký hợp đồng tín dụng trị giá hơn 2.200 tỷ đồng giữa VietinBank - Chi nhánh Lào Cai với Công ty Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM).

Sau khi ký văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc cung cấp tín dụng tài trợ cho Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai, VietinBank đã giao Chi nhánh Lào Cai xúc tiến đàm phán, thương thảo hợp đồng tín dụng tài trợ vốn. Theo đó, VietinBank sẽ cung cấp tín dụng cho dự án 2.242 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu của VTM trong việc xây dựng nhà máy.

Ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc Vietinbank khẳng định VnSteel là đối tác chiến lược, đã ký kết hợp tác toàn diện với ngân hàng. Các dự án lớn của VnSteel, VietinBank đều là ngân hàng đầu tiên và cũng là ngân hàng lớn nhất Việt Nam thu xếp các nguồn vốn cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng…

Hy vọng, với lợi thế sẵn có và nguồn vốn tài trợ này, dự án này sẽ triển khai nhanh, đúng tiến độ và đạt được hiệu quả cao nhất, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng.