Quốc hội thông qua mới có thể triển khai

Hiện tại, Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá để trình Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành và các đơn vị chức năng để hoàn thiện Đề án.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang hoàn thiện Đề án điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. “Theo Quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì quyền mua bán biển số bị cấm. Chính vì vậy, muốn thực hiện việc đấu giá thì phải sửa Luật hoặc Quốc hội ra Nghị quyết cho thí điểm thì mới có thể triển khai việc đấu giá” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Rolls-Royce Phantom có giá 26 tỷ tại Việt Nam cũng được đeo biển khủng tại Hà Nội.
Rolls-Royce Phantom có giá 26 tỷ tại Việt Nam cũng được đeo biển khủng tại Hà Nội.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng nhấn mạnh, khi Quốc hội cho phép thí điểm đấu giá thì biển số được xác định là tài sản công, việc định giá phải phù hợp để làm sao nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước vừa phục vụ nhân dân. “Chúng tôi đang nghiên cứu các Luật quy định về việc đấu giá tài sản. Hiện nay, biển số phương tiện đang được bấm ngẫu nhiên nên không có quy ước số đẹp hay số xấu. Chính vì vậy, khi tổ chức bán thì sẽ tính toán bán thế nào cho hiệu quả nhất. Chúng tôi đưa ra đề xuất theo hướng khi đấu giá sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết. Mức giá khởi điểm sẽ được quyết định và điều chỉnh theo cơ chế thị trường, thị trường sẽ quyết định giá” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đầu tiên để đấu giá được, phương tiện, vật dụng được đưa ra đấu giá phải được xem là tài sản. Mà biển số xe hiện nay chưa được xem là tài sản nên rất khó mang ra để đấu giá. Hơn nữa, do đấu giá để sung công quỹ nhà nước thì biển số xe còn phải được xem là tài sản công. Trong khi đó, chưa có luật, quy định nào xem biển số xe là tài sản công.

Đấu giá biển số như thế nào?

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, khi đấu giá cũng không có khái niệm biển số đẹp hay biển số xấu mà biển số theo nhu cầu của người dân. Trong kho số được đưa ra, người dân có quyền lựa chọn bất cứ số nào mình thích để tham gia đấu giá.

Việc đấu giá sẽ do một công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm. Ví dụ, ở Hà Nội trong 1 quý dự kiến có khoảng 50 nghìn phương tiện được đăng ký thì chúng tôi sẽ đưa vào kho số đấu giá cả 50 nghìn biển số đó. Tất cả các biển số này được công khai trên mạng để người dân lựa chọn. Nếu biển số nào có nhiều người cùng thích, muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá và ai trả giá cao nhất sẽ được sở hữu, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Đề án đấu giá biển số do Bộ Công an đang xây dựng đưa ra hai phương án chính. Một là biển số phương tiện được cấp sẽ gắn với người sử dụng trọn đời và được xem như là tài sản của người sở hữu; khi bán phương tiện, chủ sở hữu có thể giữ lại biển số, hoặc có thể mua, bán, cho, tặng, thừa kế. Hai là, cho phép đấu giá biển số, nhưng quy định sử dụng biển số giữ nguyên như lâu nay - bán xe không được giữ lại biển số.