Nguồn gốc lịch sử ngày Quốc tế Thiếu nhi

Ngày Quốc Tế Thiếu Nhilà dành cho trẻ em nhưng lịch sử ra đời lại bắt nguồn từ một sự kiện đáng buồn xảy ra vào những năm 1942-1944 tại Tiệp Khắc. Buổi sáng ngày 1/6/1942, quân Đức bao vây làng Li-đi-xơ bắt đi nhiều người trong đó có nhiều trẻ em. Hai năm sau, ngày 10/06/1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), những người dân vô tội đã bị bắt và nhiều người trong số đó là trẻ em đã bị sát hại nhẫn tâm.

Lịch sử ra đời của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1- 6, bắt nguồn từ một câu chuyện đau lòng.
Lịch sử ra đời của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1- 6, bắt nguồn từ một câu chuyện đau lòng. Ảnh minh họa

Vào năm 1949, nhằm mục đích nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mọi người về việc bảo vệ cuộc sống và lợi ích của thiếu niên, nhi đồng. Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định chọn ngày 1/6 hàng năm làm Ngày quốc tế Thiếu nhi. Từ năm 1950 thì ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày Tết thiếu nhi và ngày càng được lan tỏa trên toàn thế giới.

Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với trẻ em Việt Nam và thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với trẻ em Việt Nam và thế giới.

Hiện nay, chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.

Ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi

Ngày Quốc tế Thiếu nhi được thành lập nhằm mong muốn chính phủ và người dân các nước trên thế giới phải nhìn nhận trách nhiệm về bảo vệ an toàn và chăm sóc cho đời sống của các em, phải quan tâm hơn về giáo dục, y tế và đảm bảo an toàn cho các em. Ngoài ra ngày Quốc tế thiếu nhi cũng được xem là ngày để mọi người tưởng nhớ và biết ơn các lực lượng đã đứng lên đấu tranh và hy sinh để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.

Các bé vui chơi hạnh phúc dịp Tết Thiếu nhi.
Các bé vui chơi hạnh phúc dịp Tết Thiếu nhi. Ảnh minh họa

Hiện nay, trên thế giới ngày Quốc tế Thiếu nhi càng được quan tâm và chăm chút. Vào ngày 1/6 có rất nhiều trò chơi, phong trào được diễn ra giúp cho các em có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi và giải trí sau những ngày học tập.

Với người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ. Đây cũng là dịp thể hiện tình yêu thương, sự quý mến dành cho các con thông qua những câu chúc và món quà tinh thần thật ý nghĩa. Qua đó, bố mẹ cũng phần nào thấu hiểu các bé hơn và tình cảm gia đình cũng sẽ được gắn kết.