Vấn nạn lạm dụng trẻ em trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thực trạng yêu cầu các quốc gia phải có những biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Những con số đáng báo động

Theo khảo sát của Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16-17, được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.

Có thể thấy,nguy cơ trẻ rơi vào "bẫy" của người lạ trên mạng là rất cao.

Ngăn chặn lạm dụng trẻ em trên mạng xã hội: Từ quốc tế đến Việt Nam
Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn, đặc biệt trong và sau dịch. (Ảnh: Getty Images)

Trong 7 tháng đầu năm có gần 270 cuộc gọi đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111. Hầu hết các cuộc gọi cần tư vấn liên quan tới 3 nhóm vấn đề lớn. Đó là tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, tư vấn về cách sử dụng internet an toàn và tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm.

Mặc dù Internet và mạng xã hội đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội nhiều cũng kèm theo những vấn đề tiêu cực cho trẻ em như tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội.

Đáng nói, đây cũng là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới.

Các đây không lâu, Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích & Bị bóc lột của Hoa Kỳ ước tính từ đầu năm đến nay họ đã nhận được khoảng trên 29,1 triệu báo cáo về tài liệu lạm dụng trẻ em từ các công ty Internet, trong đó chỉ 160 là từ Apple mà 22 triệu báo cáo là từ Facebook.

Tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục trẻ em đã trở thành vấn đề đáng lo ngại hơn trong đại dịch COVID-19. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới nhận định khi dành phần lớn thời gian giãn cách xã hội tại nhà, trẻ em đối diện nguy cơ cao bị bóc lột tình dục từ Internet.

Việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của gia đình, trường học mà cả chính phủ và các doanh nghiệp quản lý và phát trển nền tảng mạng xã hội.

Và sau đây là những động thái mạnh mẽ hơn đến từ một số quốc gia trên thế giới để chủ động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Meta, Apple, Microsoft đối diện án phạt 383.000 USD/ngày tại Úc

Mới đây, E-Safety Commissioner - cơ quan được thành lập để bảo vệ người dùng internet tại Úc, đã gửi thư pháp lý yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Apple, Microsoft cung cấp dữ liệu nhằm hỗ trợ chiến dịch ngăn chặn lạm dụng trẻ em ở đất nước này, Reuters đưa tin.

Ngăn chặn lạm dụng trẻ em trên mạng xã hội: Từ quốc tế đến Việt Nam
Úc yêu cầu các tập đoàn công nghệ phối hợp cung cấp dữ liệu nhằm ngăn chặn lạm dụng trẻ em trên mạng. (Ảnh: Reuters)

Căn cứ trên cơ sở Luật bảo vệ người dùng Internet có hiệu lực từ tháng 1/2022, cơ quan này yêu cầu các tập đoàn công nghệ tiết lộ các biện pháp họ đang thực hiện để phát hiện và xóa tài liệu lạm dụng trẻ em trong vòng 28 ngày. Nếu họ không làm vậy, mỗi công ty sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 555.000 đô la Úc (383.000 USD) mỗi ngày.

Đó là động thái quyết liệt của chính phủ Úc trong việc kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn từ năm 2021. Các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến việc các tập đoàn công nghệ này đang làm gì để giám sát các dịch vụ nhắn tin và phát trực tuyến được mã hóa có các nội dung lạm dụng trẻ em mà không phải xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Ủy viên Julie Inman Grant của E-Safety Commissioner cho biết: “Các nội dung lạm dụng này không còn giới hạn trong các web đen mà chúng đang phổ biến trên các nền tảng chính mà chúng tôi và con cái chúng tôi sử dụng hàng ngày”

Bên cạnh Facebook, các nền tảng trẻ em hay sử dụng như dịch vụ gọi điện video Skype (thuộc Tập đoàn Microsoft); dịch vụ bao gồm FaceTime, dịch vụ nhắn tin iMessage và dịch vụ lưu trữ ảnh iCloud (thuộc Tập đoàn công nghệ Apple); …

Ứng dụng ngăn trẻ em Nhật gửi ảnh nóng cho người lạ

Năm 2021, có 1.811 trẻ em là nạn nhân của các vụ lạm dụng, quấy rối tình dục qua mạng xã hội, con số kỷ lục được ghi nhận theo dữ liệu của cảnh sát nước này, VICE đưa tin.

Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp trên đã vi phạm luật pháp Nhật Bản về "tàng trữ, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em", gồm những tấm ảnh selfie khỏa thân của các nạn nhân.

Ngăn chặn lạm dụng trẻ em trên mạng xã hội: Từ quốc tế đến Việt Nam
Số lượng trẻ em là nạn nhân của các vụ quấy rối trên mạng đang gia tăng ở nhiều quốc gia. (Ảnh: Getty Images)

Trong bối cảnh đó, ứng dụng (app) ngăn trẻ em Nhật Bản gửi ảnh nóng cho người lạ là sáng kiến của công ty Smartbooks kết hợp với ĐH Y tế Fujita và Sở cảnh sát thành phố Nakamura, tỉnh Aichi, nhằm giảm tình trạng trẻ vị thành niên bị dụ dỗ, lạm dụng tình dục qua Internet.

Bằng cách sử dụng công nghệ AI, ứng dụng có thể nhận dạng ảnh chụp các phần nhạy cảm trên cơ thể trẻ vị thành niên như ngực, bụng dưới hay bộ phận sinh dục. Sau đó, những hình ảnh này sẽ bị xóa bỏ, đồng thời gửi cảnh báo đến người giám hộ của trẻ.

Ứng dụng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dù chưa có tên gọi chính thức, Smartbooks hiện gọi ứng dụng này bằng tên "Kodomamo", được ghép bởi từ "trẻ em" và "bảo vệ" trong tiếng Nhật.

Ứng dụng nêu trên chỉ là một trong rất nhiều giải pháp mà các cơ quan chức năng nước này phối hợp với đội ngũ chuyên gia để nghiên cứu giải pháp chống lạm dụng tình dục trẻ em trên cả nước.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã kiến nghị ban hành luật cấm người lớn dụ dỗ trẻ vị thành niên. Điều đó thể hiện các nhà lập pháp Nhật Bản cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.

Nhìn về Việt Nam

Hiện nay, mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em là một điều khó thể phủ nhận. Khi trẻ em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập, cha mẹ, thầy cô là những người giám sát, chủ động bảo vệ trẻ em.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng khuyến nghị, thời gian tới cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân để chủ động bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, dư luận cũng đề xuất, cần có những chế tài xử lý mạnh hơn đối với những hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Độ tuổi thích hợp để trẻ em tiếp cận mạng xã hội

Hiện tại các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cả trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, YouTube (Google) đều chung quy định chỉ cho phép người mở tài khoản mới từ 13 tuổi trở lên.

Cụ thể, Whatsapp: 13 tuổi; Youtube: 13 tuổi; Facebook: 13 tuổi; Instagram: 13 tuổi; Twitter: 13 tuổi.

Mặt khác, một nghiên cứu về tâm lý học trẻ em của các nhà tâm lý học Ika Putri Dewi và M. Psi cũng chỉ ra, từ 12 tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để trẻ em tiếp cận mạng xã hội.

Hiểu được điều này, các bậc phụ huynh, người giám hộ, nhà trường, … cần chú ý tứ trẻ em khi dùng mạng xã hội khi chưa đủ tuổi để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý và xã hội của trẻ.

Kể cả khi trẻ đã đủ tuổi dùng mạng xã hội thì vẫn cần sự giám sát, theo dõi để bảo vệ trẻ kịp thời trước những nguy cơ nguy hiểm trên mạng xã hội.