Giải pháp từ chính phủ Nhật Bản

Đến nay, già hoá dân số đã trở thành một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều nền kinh tế lớn của châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, …

Với tỷ lệ sinh giảm kỷ lục, số người trong độ tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng, gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội ở mỗi nước, các chính phủ buộc phải đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết những bài toán khó này đối với người cao tuổi (NCT).

Nhật Bản là ví dụ điển hình của nhóm quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số cao nhất trên thế giới. Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này thống kê, tính đến ngày 20/9/2021, số người trên 65 tuổi tại nước này đã tăng thêm 220 nghìn người so với cùng kỳ, lên tới 36,4 triệu người.

Như vậy, so với dân số Nhật Bản năm 2021 là khoảng 125 triệu người, số lượng NCT chiếm tới 29%, khiến quốc gia này xếp hạng số 1 về tỉ lệ NCT trong tổng dân số. Theo sau đó là Italy và Bồ Đào Nha.

‘Nền kinh tế bạc’ tại Nhật Bản và Singapore: Giải pháp với già hoá dân số?
Nhật Bản có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới.

Số lượng NCT ở Nhật Bản có thể tăng lên trong những thập kỷ tới, tình trạng lão hóa dân số ngày càng trầm trọng. Cùng với tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản còn phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp.

Ước tính số người trên 65 tuổi có thể chiếm tới 40% tổng dân số Nhật Bản vào năm 2060. Thách thức bởi dân số già là tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia và hệ thống an sinh phúc lợi xã hội. Lực lượng lao động trẻ tuổi cũng sẽ phải gánh vác hệ thống thuế cao hơn.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố tháng 5/2021, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống ở nước này là 14,93 triệu người. Trong đó số lượng trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi chỉ là 2,65 triệu, tương đối thấp so với các nhóm tuổi khác (tính đến 1/4/2021).

Theo đó, tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số Nhật Bản chỉ chiếm 11,9% và giảm 0,1% (tương đương với khoảng 190 nghìn trẻ) so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, Nhật Bản cũng được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số thấp nhất trong số 33 quốc gia có dân số trên 40 triệu người.

Có thể thấy, tình trạng già hoá dân số kết hợp với tỉ lệ sinh thấp có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ hai trong số các nước phát triển, chỉ sau Hoa Kỳ.

Các chuyên gia kinh tế tại Nhật Bản đã phân tích, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào lực lượng lao động tuy nhiên lực lượng lao động đang suy giảm nhanh chóng khiến khả năng sản xuất suy giảm, thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm.

Mặt khác, báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 6/2019 đã chỉ ra, hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho NCT, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi, có hiệu lực từ tháng 4/2021. Nhờ đó, các công ty Nhật bản có thể sử dụng nhiều người đến tuổi nghỉ hưu để lấp đầy các vị trí tuyển dụng.

‘Nền kinh tế bạc’ tại Nhật Bản và Singapore: Giải pháp với già hoá dân số?
Chính phủ Nhật tạo điều kiện cho NCT tiếp tục làm việc sau tuổi 65.

Nhiều nhà bán lẻ tại Nhật Bản hiện đã loại bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động. Ước tính, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên có việc làm đạt 25,1%, cao thứ 2 trong số các nền kinh tế lớn.

Trên thực tế, NCT có việc làm tại Nhật Bản không phải hiện tượng mới có vào những năm gần đây mà đã xuất hiện từ đầu những năm 2000. Lao động cao tuổi có thể đóng góp nhiều cho các doanh nghiệp bằng kinh nghiệm và trí tuệ của bản thân tích luỹ trong một khoảng thời gian rất dài so với lao động trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật bản cũng phải giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trước sức ép từ dân số già thông qua các chính sách về thúc đẩy tăng tỷ lệ kết hôn, sinh con ở trong nước, cũng như đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản,có tới 17,8% phụ nữ và 29,1% nam giới Nhật Bản độc thân từ 25 đến 34 tuổi; lý do phổ biến nhất là khó khăn tài chính. Nhiều cặp vợ chồng cũng ngại sinh co vì sợ chi phí tăng cao dù chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách trợ cấp, trong đó bao gồm miễn học phí đối với giáo dục mầm non từ năm 2019.

Mặt khác, dù lao động nhập cư có thể phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại Nhật Bản ở một số ngành nghề mà NCT không đáp ứng được, các chuyên gia vẫn cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Nếu không cải thiện được vấn đề già hoá dân số và tỉ lệ sinh giảm, thì trong tương lai nền kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội của xứ sở hoa anh đào sẽ phải đối diện với nhiều áp lực ngày càng trầm trọng hơn.

Singapore hướng tới “nền kinh tế bạc”

Nếu Nhật Bản đứng đầu thế giới về tỷ lệ NCT trong tổng dân số thì Singapore được đánh giá là quốc gia dẫn đầu trong khối các quốc gia ASEAN và đứng thứ hai trên thế giới về tốc độ già hoá dân số. Ước tính đến năm 2030, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm 1/4 dân số của quốc đảo sư tử.

Tại Singapore, tính đến năm 2020, tỷ lệ người trên 65 tuổi vẫn còn làm việc đạt trên 27%, tăng gần gấp đôi so với con số 16% của một thập kỷ trước.

Cũng giống như Nhật Bản, Singapore cũng phải đối diện với nhiều áp lực từ dân số già lên nền kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội.

Dù vậy, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong lạc quan rằng, đây cũng có thể là cơ hội mở ra một nền kinh tế mới dựa trên NCT, còn gọi là “nền kinh tế bạc”.

Theo đó, trước hết là phải tạo điều kiện cho những NCT vẫn còn khả năng lao động tiếp tục làm việc trong một số lĩnh vực, vị trí phù hợp. Đơn cử, công ty Prudential Singapore đã loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu, cho phép nhân viên lớn tuổi tiếp tục làm việc.

‘Nền kinh tế bạc’ tại Nhật Bản và Singapore: Giải pháp với già hoá dân số?
Nhiều NCT tại Singapore vẫn làm việc để tăng thêm gắn kết với xã hội.

Theo ông Han Yik - Trưởng nhóm các nhà đầu tư quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới: “NCT có thể phục vụ trong xã hội của chúng ta với tư cách là những chính khách cao tuổi như những cố vấn, những nhà lãnh đạo đối với thế hệ trẻ”.

Nhà kinh tế chính trị học Chew Soon Beng từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) khẳng định một trong những giải pháp giải quyết vấn đề dân số già là “khuyến khích người lao động lớn tuổi làm việc để họ có thể liên tục học hỏi và giữ cho bản thân năng động”.

Nhiều NCT tại Singapore cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động tình nguyện để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng.

Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp khi dung hoà lợi ích với các nhân viên lâu năm của họ mà NCT cũng đóng góp vào thị trường tiêu dùng trong nước với nhu cầu và khả năng chi tiêu khác biệt so với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Ước tính, “nền kinh tế bạc” ở Singapore tương đương với một thị trường trị giá 72,4 tỷ USD vào năm 2025. Còn tới năm 2030, các chuyên gia dự báo, tổng mức chi tiêu của thế hệ NCT tại Singapore có thể lên tới 150 tỷ USD.

Một trong những lý do giải thích cho khả năng chi tiêu lớn này là bởi NCT đã tích luỹ một lượng tài chính và tài sản lớn thông qua quãng đời làm việc chăm chỉ của họ, đồng thời họ còn nhận được khoản lương hưu lớn khi hết tuổi lao động.

‘Nền kinh tế bạc’ tại Nhật Bản và Singapore: Giải pháp với già hoá dân số?
Người tiêu dùng cao tuổi có thể đóng góp vào một “nền kinh tế bạc” trị giá tới 72,4 tỷ USD vào năm 2025 tại Singapore.

Nền kinh tế phục vụ khách hàng lớn tuổi rất đa dạng, từ dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống… đến lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ NCT…

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng góp phần thúc đầy “nền kinh tế bạc” bằng việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ sinh hoạt, công nghệ chăm sóc sức khỏe và thể dục, thông tin liên lạc hướng đến NCT, đổi mới công nghệ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống NCT.

Nhìn chung, già hoá dân số có thể được coi là một xu hướng tự nhiên khi hệ thống y tế ngày càng phát triển hơn. Mặc dù đem lại nhiều thách thức nhưng một số quốc gia đã và đang đối diện với quá trình này một cách tích cực, thông qua việc thúc đẩy NCT đóng góp hữu ích đối với xã hội và kinh tế và nâng cao sự gắn kết của họ với các thế hệ trẻ tuổi hơn.