Dự tính tổng kim ngạch thương mại của Malaysia sẽ tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030 thông qua hiệp định này.
Dự tính tổng kim ngạch thương mại của Malaysia sẽ tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030 sau khi quốc gia này thông qua CPTPP.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết Chính phủ đã nhất trí phê chuẩn CPTPP, đồng thời nhấn mạnh hiệp định này sẽ đặt Malaysia vào vị trí chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Đông Nam Á trên phạm vi toàn cầu.

MITI cũng cho biết, báo cáo phân tích chi phí - lợi ích về CPTPP đã dự tính tổng kim ngạch thương mại của Malaysia sẽ tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030 thông qua hiệp định này.

Trước đó, nhiều liên đoàn, hiệp hội ngành nghề tại Malaysia đã kêu gọi chính phủ nước này sớm phê chuẩn CPTPP do những lợi ích mà thỏa thuận mang lại.

Theo Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm cao su Malaysia cho rằng CPTPP tạo ra tác động tích cực đối với nền kinh tế.

Malaysia đã chính thức đệ trình văn kiện phê chuẩn CPTPP tới New Zealand, quốc gia hiện đóng vai trò là nước lưu chiểu của hiệp định, vào ngày 30/9.

Hiệp định CPTPP là gì?

CPTPP là viết tắt của của cụm từ Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Khởi đầu, Hiệp định TPP có 4 nước tham gia là Brunei, Chile, New Zealand, Singapore và vì vậy được gọi tắt là Hiệp định P4.

Ngày 22/9/2008, Hoa Kỳ tuyên bố tham gia vào P4 nhưng đề nghị không phải trong khuôn khổ Hiệp định P4 cũ, mà các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau đó, các nước Australia và Peru cũng tuyên bố tham gia TPP.

Năm 2009, Việt Nam tham gia TPP với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Sau 3 phiên đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định này nhân Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Yokohama (Nhật Bản).

Cùng với quá trình đàm phán, TPP đã tiếp nhận thêm các thành viên mới là Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, nâng tổng số nước tham gia lên thành 12.

Trải qua hơn 30 phiên đàm phán ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, các nước TPP đã kết thúc cơ bản toàn bộ các nội dung đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng tổ chức tại atlanta (Hoa Kỳ) vào tháng 10 năm 2015.

Ngày 04 tháng 02 năm 2016, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định TPP đã tham dự Lễ ký để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, New Zealand.

Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 01 năm 2017, Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Trước sự kiện này, các nước TPP còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất được hướng xử lý đối với Hiệp định TPP trong bối cảnh mới.

Tháng 11 năm 2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP với những nội dung cốt lõi

Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại Santiago de Chile.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do loại bỏ 95% thuế quan giữa 11 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP hiện có hiệu lực đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào tháng 12/ 2018, đối với Việt Nam vào tháng 1/2019 và Peru vào tháng 9/2021.

Hiện nay, Brunei và Chile là những quốc gia thành viên còn lại chưa hoàn thành quy trình phê chuẩn tương ứng.