Đáng chú ý, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank: Mã: VCB), với việc sở hữu 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51%. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank sau Công ty cổ phần tập đoàn GELEX (GEX) - hiện đang sở hữu 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn ngân hàng.
Việc Vietcombank sở hữu gần 79 triệu cổ phiếu EIB đã gây bất ngờ trên thị trường. Tạm tính theo giá cổ phiếu EIB chốt phiên 16/10 (18.450 đồng/cp), số lượng cổ phiếu mà VCB sở hữu có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Hiện Eximbank còn 3 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ là: CTCP Chứng khoán VIX, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan.
Vietcombank là ngân hàng thương mại có giá trị vốn hóa và lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, đây cũng là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất Việt Nam. Trong khi đó, Eximbank sau khi chia tay đối tác ngoại gắn bó nhiều năm SMBC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quyết liệt với sự xuất hiện của nhiều cổ đông mới.
Cổ phiếu EIB có chuỗi tăng giá mạnh kể từ ngày 23/9 sau đó bị bán tháo mạnh phiên 14/10. Việc bán tháo diễn ra sau khi xuất hiện thông tin lan truyền trên các hội nhóm chứng khoán về văn bản kiến nghị liên quan đến nhân sự mới của ngân hàng. Những thông tin này đã gây lo lắng cho các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Eximbank đang củng cố bộ máy quản trị với nhiều thay đổi quan trọng.
Mới đây, trên mạng lại phát tán tài liệu liên quan đến Eximbank. Theo Eximbank, tài liệu lan truyền trên mạng xã hội vừa qua về “Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank” (chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu), Eximbank khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng.
Eximbank khẳng định, đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, "Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác", Eximbank khẳng định.
Theo Eximbank, Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Các số liệu tài chính của Eximbank luôn được công khai minh bạch và được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động.
Trong một diễn biến khác, HĐQT Eximbank cũng vừa công bố quyết định triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.
Nội dung cuộc họp nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Địa điểm mới được chọn làm trụ sở chính cũng chưa được đề cập trong tờ trình. Trong khi đó, trụ sở chính hiện tại của Eximbank đặt tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Về tình hình kinh doanh , 9 tháng đầu năm 2024 Eximbank ghi nhận tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tổng huy động tăng 9,1% so với đầu năm; tăng 12,2% so với cùng kỳ. Dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng đều qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý III tăng 39% so với cùng kỳ). Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở ngưỡng 12-14%, cao hơn so với ngưỡng 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
https://sohuutritue.net.vn/lo-dien-danh-tinh-co-dong-lon-thu-2-tai-ngan-hang-eximbank-d244095.html