Báo cáo của Vietnam Report cho biết gần 32% doanh nghiệp tham gia khảo sát của họ đánh giá nền kinh tế năm nay có thể tăng trưởng ổn định ở mức 5,5%.

Theo hãng tư vấn, điều này có thể tạo ra môi trường kinh doanh tích cực, thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng tự tin hơn về triển vọng kinh tế, họ có xu hướng đầu tư và chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm có thể tăng lên.

Kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2024

Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bảo hiểm của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6 vừa qua cho thấy, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024.

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành được ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh một sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023.

Mục tiêu trên là hết sức khả quan khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản của ngành bảo hiểm ước đạt 942,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 781,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%. Kết quả này là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành sau những khó khăn của năm 2023.

Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn đặt ra nhiều thách thức trong việc đưa ngành bảo hiểm lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng dương đối với bảo hiểm nhân thọ. Theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm của Vietnam Report, những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt, bao gồm: khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023; người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm; phát hiện nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance; cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; vấn đề trục lợi bảo hiểm.

Kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2024

Cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, trong đó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi doanh thu phí bảo hiểm lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm. Thách thức này dự báo vẫn sẽ còn ảnh hưởng lớn trong năm 2024 khi uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp bảo hiểm bị giảm sút nghiêm trọng, khách hàng mất niềm tin và có sự thận trọng hơn trong việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm.

Trong những năm gần đây, mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng được phản ánh qua nhiều yếu tố. Trước hết, số lượng các công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường không ngừng tăng, bao gồm cả những doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp số hóa ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, điều này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn gián tiếp gia tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân khách hàng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải nâng tầm chất lượng, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện liên tục để không tụt hậu so với đối thủ. Ngoài ra, các chính sách và quy định cũng đóng vai trò định hình mức độ cạnh tranh khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trên GDP tại Việt Nam hiện ở 2,3-2,8%, thấp hơn mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Nguyên nhân do nhận thức về bảo hiểm của người dân chưa cao, thu nhập trung bình còn thấp so với các nước phát triển. Song, điều này cũng cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển.

Vietnam Report đánh giá khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023 sẽ vẫn ảnh hưởng tới thị trường năm nay do uy tín thương hiệu bảo hiểm giảm sút, khách hàng mất niềm tin, thận trọng hơn khi tham gia bảo hiểm.

Chưa kể, cạnh tranh trong ngành ngày càng lớn khi số lượng công ty tham gia thị trường không ngừng tăng, gồm cả trong nước và quốc tế.

Năm ngoái, kênh bán hàng chủ lực của ngành bảo hiểm, bán chéo qua ngân hàng (bancassurance) gặp nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Cùng đó, biến động kinh tế toàn cầu, bất ổn tài chính khiến họ phải đối diện với nhiều khiếu nại bồi thường hơn.

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2023 giảm 8,3% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên tới 12,5%; lĩnh vực phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường bảo hiểm nhân thọ, nên ghi nhận mức độ tăng trưởng khiêm tốn 2,4%. Đây là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm. Cùng đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất vào khoảng 20-30%. Với kênh bancassurance, tỷ lệ này lên đến 73%.

Chính vì vậy, Vietnam Report cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải nâng tầm chất lượng, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện liên tục để không tụt hậu so với đối thủ. Ngoài ra, các chính sách và quy định cũng đóng vai trò định hình mức độ cạnh tranh khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.