Kỳ lân ông nghệ VNG báo lỗ sau thuế kỷ lục 1.315 tỷ đồng
Công ty Cổ phần VNG (Mã CK: VNZ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 2.036,6 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, VNG báo lãi gộp 917,4 tỉ đồng, tăng 19% so với quý 4/2021.
Trong quý cuối năm 2022, doanh thu tài chính của VNG đạt 27,7 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với quý 4/2021. Ngược lại, chi phí tài chính tăng gấp hơn 6 lần lên 50,2 tỉ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG cũng tăng lần lượt 4,2% và 22,7% so với cùng kỳ lên 699,3 tỉ đồng và 448,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên kết 39,8 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 10,7 tỉ đồng) và lỗ khác lên tới 446,8 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 197,7 tỉ đồng).
Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến VNG báo lỗ sau thuế quý 4/2022 ở mức 547,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 267,5 tỉ đồng trong quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của VNG đạt 7.800,5 tỉ đồng, tăng 1,9% so với năm 2021; lỗ sau thuế ở mức 1.315,4 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNG đạt 9.092,1 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, "núi tiền" của VNG (bao gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng) giảm tới 38,9% xuống còn 3.079,7 tỉ đồng.
Tài sản dài hạn của doanh nghiệp này tăng gấp 2,2 lần lên 4.313,4 tỉ đồng, chủ yếu do tăng 909,4 tỉ đồng chi phí đầu tư vào dự án VNG Data Center – trung tâm dữ liệu phần mềm vừa được VNG đưa vào vận hành từ giữa tháng 12/2022.
Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng gấp 3,7 lần lên mức 1.484,6 tỉ đồng.
Công ty chủ quản của ZaloPay lỗ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022. Ảnh: Tinnhanhchungkhoan |
Trong năm 2022, VNG đã rót thêm tới 1.085,8 tỉ đồng vào các startup, nhưng trong danh mục chỉ có khoản đầu tư vào Dayone – pháp nhân sở hữu startup Got It – hiện ghi nhận lãi.
Tính đến ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỉ đồng, dẫn đầu là khoản đầu tư vào Tiki Global với số lỗ 510,1 tỉ đồng, tiếp đến là Telio (lỗ 58,1 tỉ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỉ đồng), Ecotruck (lỗ 23,8 tỉ đồng).
Còn trên báo cáo tài chính riêng lẻ, VNG ghi nhận tổng giá trị khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết tại ngày 31/12/2022 đạt 4.843,6 tỉ đồng, tăng 89,6% so với đầu năm.
Trong đó, khoản đầu tư của VNG vào Công ty Cổ phần Zion – chủ sở hữu ví điện tử ZaloPay – chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư lên tới 2.962,7 tỉ đồng, tăng 1.081,6 tỉ đồng (tăng 57,4%) so với đầu năm và tăng 401,2 tỉ đồng (tăng 15,6%) so với thời điểm cuối quý 3/2022.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Công ty Cổ phần Zion đã được nâng lên mức 69,98%, tăng so với mức 60% tại thời điểm đầu năm và 65,48% tại cuối quý 3/2022.
Zion bắt đầu hoạt động vào năm 2005, là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay. Đây là ứng dụng thanh toán di động được xây dựng để thỏa mãn nhu cầu thanh toán trong cuộc sống và nhu cầu kinh doanh. Cùng với Momo, AppotaPay, VNPay…. ZaloPay là một trong số những ví điện tử được người dùng yêu thích và sử dụng thường xuyên.
Theo VNG giới thiệu, Zalo Pay đã liên kết với 39 ngân hàng và 5.000+ đối tác, tăng trưởng người dùng hoạt động hàng tháng lên tới 51% trong năm 2021.
Theo thông tin trên website của Zalopay, ví điện tử này đã có liên kết với các đối tác như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV, Eximbank, SCB, Ngân hàng Bản Việt,... và ba tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master và JCB.
Mặc dù mức độ phủ sóng rộng rãi nhưng Zalopay cùng những mảng kinh doanh khác chưa thể đem lợi nhuận về cho Zion. Công ty này đã có tới 5 năm thua lỗ liên tiếp từ 2017 - 2021 trước khi tiếp tục lỗ vào năm 2022. Quy mô của khoản lỗ (tính thuế) đạt 1.310 tỷ đồng vào năm 2022.