Sức hút “khó cưỡng” từ tiêu dùng trực tuyến

Sau 2 thập kỷ Internet vào Việt Nam, đến nay lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày trong đời sống mỗi người dân. Theo thống kê của Bộ Công thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Theo đó, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Các trang TMĐT nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay có thể kể tới Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Sendo, Thegioididong, Điện máy xanh, FPT,…

Kinh doanh trực tuyến 'nở rộ' người tiêu dùng hưởng lợi gì?
Xu hướng thống trị của mua hàng điện tử (Ảnh: Fotolia)

Đại dịch COVID-19 cũng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam, làm thay đổi tư duy của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, và là một “cú hích” mạnh mẽ cho môi trường kinh doanh trực tuyến bùng nổ.

Số lượng người tiêu dùng chuyển sang TMĐT khiến cho lĩnh vực này phát triển lớn mạnh. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, TMĐT cũng là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày nay, người tiêu dùng có thể chỉ cần ngồi tại nhà, lướt web bằng chiếc điện thoại thông minh hay Ipad, máy tính là có thể tìm thấy món đồ mong muốn, thực hiện đặt hàng, thanh toán và sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà, tận tay người mua.

So với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn nhiều. Các mặt hàng vô cùng đa dạng, từ nông sản, thực phẩm chế biến, đến các loại hàng hoá thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng. Đối với các sản phẩm số hoá như phim, nhạc, sách, phần mềm.... việc giao hàng được thực hiện gần như ngay lập tức thông qua Internet.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, các thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm mình có ý định mua.

Những công cụ tìm kiếm như Google, Bing, … và các kênh thông tin đa phương tiện gần như đã trở thành một nguồn tham khảo không thể thiếu đối với mỗi người tiêu dùng trước khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.

Chưa kể, bên cạnh thị trường nội địa, các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các sàn TMĐT quốc tế lớn giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hoá, dịch vụ trên toàn cầu thông qua các nền tảng này.

Theo đó, cùng với sự phát triển mau chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, các nền tảng mua sắm trực tuyến giúp xóa bỏ rào cản về không gian và thời gian, kết nối giữa người cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với người có nhu cầu tiêu thụ một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng.

Nói cách khác, điểm thuận tiện nhất của TMĐT là cho phép khách hàng mua sắm mọi nơi, mọi lúc đối với các cửa hàng trên khắp thế giới. Mô hình đấu giá trực tuyến là một ví dụ, cho phép người dùng có thể tham gia mua và bán trên các sàn đấu giá và đồng thời có thể tìm, sưu tầm những món hàng mình quan tâm trên lãnh thổ Việt Nam và khắp thế giới.

Mạng xã hội là “kinh đô mua sắm” của người Việt

Bên cạnh kinh doanh, mua sắm trực tuyến diễn ra trên các sàn TMĐT, các website, các ứng dụng, hoạt động này còn rất phổ biến trên nền tảng mạng xã hội.

Theo báo cáo “Repota 2022: Tối ưu chiến lược và công cụ tiếp thị cho tăng trưởng” của tập đoàn công nghệ Appota phát hành, 62.6% người tiêu dùng Việt Nam coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm.

Trong đó, có tới 75% người tiêu dùng Gen Z (khoảng 1997 – 2012) khi được hỏi sử dụng nhiều hơn 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, Gen Y (khoảng 1980 – 2000) là 63%.

Kinh doanh trực tuyến 'nở rộ' người tiêu dùng hưởng lợi gì?
Mạng xã hội là “kinh đô mua sắm” của người Việt. (Ảnh: Bradly/Insider)

Đáng chú ý, Gen X (sinh từ 1965 đến khoảng năm 1980) vốn được xem là thế hệ khó tiếp cận Internet và công nghệ, cũng ghi nhận 62% sử dụng tới 3 nền tảng mạng xã hội cùng lúc.

Các mạng xã hội khá đang dạng và phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến là Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram...

Mạng xã hội không còn chỉ là công cụ giúp kết nối với thế giới xung quanh, những nền tảng này có thể được xem là những “kinh đô mua sắm” trực tuyến của người Việt. Nguyên nhân chính là bởi thời gian sử dụng mạng xã hội của người dân là “vô cùng lớn”.

Theo thống kê từ Q&Me, các mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo chiếm tới 51% thời gian của người dùng. Người dùng trung thành với các trang mạng xã hội này đều dành nhiều thời gian mỗi ngày để thực hiện các hoạt động theo thói quen, ví như nhắn tin, gọi điện, gọi video, cập nhật tin tức, chia sẻ thông tin, giải trí,…,

Theo một thống kê, đến tháng 02/2022, có 76.95 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2022 tương đương 78.1% dân số, trong đó người dùng Facebook là 70.4 triệu người.

Như vậy, sự gia tăng đều đặn về thời gian dành cho mạng xã hội của phần đông người Việt Nam phản ánh mức độ thiếu yếu của những nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, tạo điều kiện và động lực cho hoạt động thương mại mạng xã hội phổ biến hơn.

Thời trang là mặt hàng được mua sắm nhiều nhất của người Việt trên mạng xã hôi, tiếp theo là các mặt hàng mỹ phẩm và điện thoại di động, đồ công nghệ thông tin. So với việc mua sắm qua các trang web TMĐT, nhiều người tiêu dùng trên mạng xã hội còn phản hồi rằng những nền tảng này giúp họ dễ dàng tìm thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cửa hàng địa phương hơn, bên cạnh các thương hiệu lớn.

Khó thể phủ nhận rằng, sự phát triển của mạng xã hội đã và đang góp phần định hình lại cách mọi người mua và bán. Nắm bắt tâm lý này, rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh đều luôn phải củng cố sự hiện diện trên mạng xã hội, từ cửa hàng thời trang, nội thất, điện máy cho đến các dịch vụ như dịch vụ lữ hành, lưu trú, nhà hàng chăm sóc sức khoẻ….

Để chinh phục người tiêu dùng hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi ra khoản ngân sách “khổng lồ” vào mạng xã hội, ví như thuê các KOL (người có tầm ảnh hưởng), KOC (khách hàng có tầm ảnh hưởng) hay các cộng đồng liên quan tới thương hiệu, làm chiến lược tiếp thị trọng tâm tới khách hàng mục tiêu.

Kinh doanh trực tuyến 'nở rộ' người tiêu dùng hưởng lợi gì?
Giao hàng tận tay là tiện ích của mua hàng online. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo do công ty tư vấn Accenture (Ireland) công bố vào đầu năm 2022, thương mại mạng xã hội ước tính sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 492 tỷ USD vào năm 2021. Theo đó, doanh số từ thị trường mua sắm trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok và WeChat sẽ tăng nhiều làn trong các năm tới. Trong đó, người tiêu dùng Gen Z và Gen Y sẽ chiếm 62% chi tiêu thương mại mạng xã hội toàn cầu vào năm 2025.

Bên cạnh lợi ích là nhiều rủi ro khó lường

Tuy nhiên, khác với các sàn TMĐT có cơ chế quản lý rõ ràng, việc mua hàng trực tuyến qua mạng xã hội như Facebook hay TikTok tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua khi không thể kiểm soát được chất lượng hay nhận sự bảo vệ từ bên trung gian. Trong khi đó, theo quy định pháp luật, người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.

Như vậy, bất kể ai thực hiện hoạt động mua sắm, sử dụng hàng hóa đều được xem là người tiêu dùng, bao gồm cả người mua sắm trên các trang mạng xã hội, do đó họ cũng được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, đặc biệt trong trường hợp các quyền và lợi ích này bị xâm hại trên không gian mạng.

Từ đó, nhiều vấn đề pháp lý về kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội nảy sinh và cần có hệ thống pháp luật cụ thể, rõ ràng để hướng dẫn, xử lý những bất cập hiện tại.

Đơn cử như tình trạng tràn lan vi phạm về sở hữu trí tuệ như bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm luật quảng cáo như lan truyền những hình ảnh đồi trụy, khiêu dâm nhằm thu hút khách... vẫn chưa có lời giải để giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.