Theo báo cáo hợp nhất, Tập đoàn Kido (KDC) lỗ gần 67,3 tỷ đồng trong quý I/2025, so với mức lãi gần 21,7 tỷ đồng trong quý I/2024.
Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO, mã chứng khoán KDC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 2.146 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, Kido ghi nhận khoản lỗ gần 87 tỷ đồng theo báo cáo riêng, so với mức lỗ gần 9,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo hợp nhất, KDC lỗ gần 67,3 tỷ đồng trong quý I/2025, so với mức lãi gần 21,7 tỷ đồng trong quý I/2024.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm từ 19,8% trong quý I năm trước xuống còn 16,6% trong quý này, lợi nhuận gộp của KIDO giảm nhẹ còn 356,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tất cả các chi phí đều tăng, đặc biệt là chi phí bán hàng tăng thêm 43 tỷ (17,7%) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 18 tỷ (17,4%).
Cùng đó, quý I/2025, KIDO phải trả 42,4 tỷ đồng chi phí lãi vay, chi phí tài chính cũng theo đó tăng lên 53,2 tỷ đồng, gấp hơn 1,8 lần cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng chi phí bán hàng và chi phí quản lý đã cao vượt lợi nhuận gộp trong kỳ. Trong khi lợi nhuận từ hoạt động khác thu về không đáng kể.
Do đó, KIDO lỗ trước thuế gần 47 tỷ và lỗ ròng hơn 75 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả này, KIDO cho biết, nguyên nhân là do những biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp. Quý kinh doanh thua lỗ gần nhất của doanh nghiệp này là quý IV/2023 với khoản lỗ hơn 544 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của KIDO ở mức 13.749 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 1.352 tỷ đồng đầu năm lên 1.931 tỷ đồng cuối tháng 3. Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 174 tỷ đồng xuống chỉ còn 14,4 tỷ đồng, chủ yếu do giảm giá trị nắm giữ trái phiếu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt.
Tính đến cuối quý I/2025, KDC đầu tư 2.933 tỷ đồng vào các công ty liên kết và công ty liên doanh đồng kiểm soát gồm KDF, Lavenue, LG Vina, Dabaco Food và Tafoco, trong đó, khoản đầu tư hơn 1.069 tỷ đồng vào Lavenue đang ghi lỗ hơn 753 tỷ đồng.
Lavenue là công ty bất động sản được thành lập vào năm 2010, là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown ở địa chỉ 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Việc thực hiện đầu tư dự án này của Lavenue được thanh tra từ năm 2018, sau đó tòa án đã ban hành bản án về các vấn đề vi phạm quyết định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án Lavenue Crown. KIDO đã tiến hành trích lập dự phòng đầu tư dựa trên giá trị có thể thu hồi được của khoản đầu tư này.
KIDO mới đây gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến chậm nhất ngày 30/6/2025. Dự kiến thời gian triệu tập họp là vào ngày 5/6 tới, ngày đăng ký cuối cùng là 12/5/2025.
Năm 2025, KIDO đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 13.000 tỷ đồng và 800 tỷ đồng.
Về hoạt động M&A, đây vẫn sẽ là hoạt động mang tính chiến lược trong kế hoạch hành động năm 2025 của KIDO với mục đích tích hợp thêm vào hệ sinh thái, cùng phát triển trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.
Trong lúc hoạt động kinh doanh kém khả quan, KIDO vẫn vướng vào vụ tranh chấp quyền sở hữu thương hiệu Celano và Merino với Nutifood.
Cụ thể, năm 2023, KIDO đã chuyển nhượng 24% vốn của Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 49%, qua đó không còn nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này. Giá trị chuyển nhượng là 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng (200 triệu USD).
Tháng 9/2024, Nutifood đã công bố trở thành công ty mẹ của KIDO Foods sau khi hoàn tất mua lại 51% vốn của doanh nghiệp này. KIDO Foods được biết đến là doanh nghiệp sản xuất và phân phối 2 thương hiệu kem Merino và Celano có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Dù không còn chi phối, song đại diện KIDO cho biết các thương hiệu Merino và Celano mà KIDO Foods đang sử dụng để kinh doanh vẫn là thương hiệu do Tập đoàn sở hữu.
Thực tế, KIDO vừa nhận lại quyền sở hữu thương hiệu Celano từ KIDO Foods vào tháng 12/2023.
KIDO sau đó đã tổ chức Đại hội bất thường vào ngày 24/1/2025 nhằm thông qua ý kiến cổ đông về thương vụ bán 24% vốn tại KIDO Foods. Kết quả cuối cùng theo KIDO công bố, có 91,3% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp không thông qua giao dịch này.
Đây vốn là giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị và đã được HĐQT của Kido thực hiện trong thương vụ nói trên.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kido nói rằng, việc mua nhà máy và mua thương hiệu là 2 việc khác nhau. Hợp đồng bán có thương hiệu và hợp đồng bán không có thương hiệu là khác nhau.
3 nội dung còn lại gồm “Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Celano; Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Merino; Không đồng ý việc chuyển nhượng thương hiệu KIDO” đều được thông qua với tỷ lệ hơn 99,1%.
Đại diện Quỹ đầu tư Star Pacifica Singapore - hiện sở hữu hơn 20,5 triệu cổ phiếu tương ứng 7,1% cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội nêu ý kiến "theo thẩm quyền của HĐQT có thể quyết định được giao dịch này", nhưng là một quỹ đầu tư, đại diện Quỹ này bày tỏ không đồng tình giao dịch này. Bởi vì điều này đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, trong đó có quỹ đầu tư Star Pacifica.
Đại diện Quỹ đầu tư Vina QSR Limited cũng bày tỏ quan điểm tương tự vì “quyền lợi và lợi ích của khoản đầu tư tại KDC của Vina QSR đang bị ảnh hưởng”.
© thitruongbiz.vn