Không còn đường lùi với thu phí điện tử không dừng
Trạm thu phí BOT trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: G.T

Không thể chậm trễ

Theo Bộ GTVT, hiện đã có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Cụ thể, ngày 25.5, VEC đã mở thầu gói thầu 1.067 tỉ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các tuyến cao tốc với thời gian thực hiện hợp đồng 64 tháng. Đến thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Liên danh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng Công ty cổ phần công trình Viettel; Công ty cổ phần Tasco; Công ty cổ phần Bon.

Dự kiến VEC sẽ hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 30.6.2022 và cần thêm 3 tháng để lắp đặt và vận hành hệ thống.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, các dự án của VEC là đều dự án đặc thù, việc thu phí đường bộ để trả nợ khoản vay nước ngoài do Chính phủ đứng ra vay (thực chất là thu phí hoàn vốn ngân sách Nhà nước), việc dừng thu phí có hệ quả rất lớn do ảnh hưởng đến phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét nội dung chỉ đạo tạm dừng thu phí của VEC nếu chậm tiến độ.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho hay, với mốc thời gian Chính phủ giao là “không còn đường lùi”, nhưng trong quá trình triển khai cần phải rà soát lại các căn cứ pháp lý, quy định của pháp luật, chủ thể và quyền của DN...

Hiện VEC đang tập trung báo cáo phương án và tổ chức triển khai thực hiện, do đó Bộ GTVT tiếp tục theo dõi vừa hướng dẫn vừa đôn đốc và chỉ đạo để VEC triển khai thực hiện. Trong trường hợp chậm trễ cần phải căn cứ vào nguyên nhân để xem xét các yếu tố cụ thể để đưa ra giải pháp để xử lý.

VEC cũng đã hoàn thành đầu tư, lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống ETC trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ tháng 6.2020 đối với 15 làn. Hệ thống hiện hoạt động hiệu quả với tỉ lệ phục vụ chiếm 51% doanh thu toàn tuyến.

Các tuyến cao tốc còn lại gồm: Nội Bài-Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số làn còn lại tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ ETC từ 5.5.2022. Dự kiến, VEC sẽ đóng thầu vào ngày 25.5 và hoàn thành lựa chọn nhà thầu từ 30.6.2022.

Buộc phải “xả trạm”

Sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu, VEC sẽ yêu cầu nhà thầu lắp đặt ngay để giữa tháng tháng 8.2022 sẽ đưa vào khai thác ETC cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành - Dầu Giây. Cuối quý III/2022 sẽ khai thác ETC trên toàn bộ các tuyến cao tốc VEC đang khai thác.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám Đốc VETC - cho biết, hiện mới có kết quả trúng thầu ngày 25.5.2022 cho 4 tuyến cao tốc của VEC (chưa có quyết định đấu thầu), nếu có quyết định kết quả đấu thầu mới đàm phán hợp đồng và triển khai dự án.

Theo ông Vinh, nếu đàm phán hợp đồng thuận lợi thì việc triển khai ETC trên 4 tuyến cao tốc này chỉ trong vòng 2 tháng.

“Việc đàm phán hợp đồng sẽ liên quan đến tiến độ, chất lượng VETC sẽ cố gắng đàm phán với VEC để triển khai dự án xong trước 31.7.2022”, ông Vinh cho hay.

Trước đó vào ngày 17.5, tại cuộc làm việc với Bộ GTVT về tháo gỡ các vướng mắc đối với việc triển khai ETC, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng lưu ý VEC phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý; nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT có trách nhiệm đôn đốc VEC khẩn trương xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai ETC trên các tuyến cao tốc, bám sát các mốc tiến độ đã đề ra và đồng bộ với hệ thống thu phí không dừng toàn quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau 31.7, nếu dự án nào chưa triển khai xong ETC sẽ phải tiến hành “xả trạm”, có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ. Các trạm ETC cũng phải chủ động “xả trạm” kịp thời nếu để xảy ra sự cố.