Vai trò lớn trong quảng bá thương hiệu

Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức chiều ngày 20/4, đại diện Bộ Công Thương đánh giá: Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều đặc biệt của diễn đàn năm nay là lần đầu tiên có sự tham gia của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có vai trò và đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn của đất nước ta trong những năm qua.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc đóng góp vào thành tựu của đất nước.

Vai trò của doanh nhân kiều bào ngày nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối hàng năm, mà họ còn có vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới.

Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

"Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chứng kiến sự phát triển không ngừng của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp của cộng đồng cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt", Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình THQG Việt Nam chia sẻ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có sự đóng góp cực kỳ ngoạn mục trong thời gian vừa qua để góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam, đặc biệt trong việc đưa hàng Việt ra nước ngoài. Điều này đã được kiểm chứng trong thời gian qua rất là nhiều nông sản đã đến được với thị trường nước ngoài là nhờ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân Việt ở nước ngoài.

"Rõ ràng thông qua cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã hỗ trợ sản phẩm trong nước đến với thị trường nước ngoài, tiếp cận tốt hơn người tiêu dùng ở nước ngoài. Chúng ta phải biết khai thác thế mạnh của cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài để không chỉ đưa sản phẩm mà còn thu hút cả công nghệ hiện đại từ nước ngoài về Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất. Từ đó giúp các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm quản lý cũng như xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Điều này cũng giúp cải thiện hình ảnh đất nước Việt Nam trên thị trường thế giới rất nhiều. Đây cũng chính là mục tiêu chính của Chương trình THQG Việt Nam: nỗ lực tạo dựng hình ảnh của đất nước ngày càng tốt đẹp hơn trên trường quốc tế", ông Thịnh nhấn mạnh.

Các diễn giả đề xuất giải pháp quảng bá thương hiệu Việt Nam và đưa hàng hoá Việt ra thị trường nước ngoài.

Cần hệ sinh thái lan tỏa thương hiệu quốc gia

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam Vũ Bá Phú, việc lần đầu tiên Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham diễn đàn năm nay rất có ý nghĩa khi tranh thủ được sự quan tâm của bà con kiều bào. Vì lòng yêu nước, lực lượng này sẵn sàng trở thành sứ giả thương hiệu cho Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh giá trị, vai trò của THQG đã được khẳng định cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò quan trọng của thương hiệu là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và giá trị doanh nghiệp.

Dù cho rằng giá trị và vai trò của THQG đã được khẳng định, tuy nhiên để tăng sức lan toả và tăng sự hiện diện của THQG Việt Nam trên trường thế giới, ông Phú cho rằng cần kéo gần các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, doanh nghiệp nói chung và các chuyên gia trong một môi trường chung. Có thể là một hệ sinh thái để tạo sự kết nối, giao lưu và lan toả THQG.

“Chúng tôi cũng nảy ra ý tưởng phát động phong trào để kiều bào ở nước ngoài trở thành sứ giả THQG, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài. Hy vọng kỳ diễn đàn năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau trao sứ giả thương hiệu cho cá nhân xứng đáng ở từng thị trường”, ông Vũ Bá Phú nói.

Đề xuất các giải pháp quảng bá thương hiệu Việt Nam và đưa hàng hoá Việt ra thị trường nước ngoài, ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cho biết, có thể quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam qua các trung tâm hàng hoá của người Việt tại châu Âu. Xuất khẩu hàng Việt thông qua thương hiệu mạnh của kiều bào hay quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thương hiệu hàng hoá thông qua hoạt động văn hoá, thể thao, tâm linh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại cũng là điều doanh nghiệp cần lưu tâm. Đó sẽ là những hoạt động tốt và là bệ phóng đưa thương hiệu Việt Nam tới với người tiêu dùng nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, với kinh nghiệm thực tế, bà con kiều bào có thể cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, nhất là nhu cầu tiêu dùng, phong tục tập quán của nước sở tại cho doanh nghiệp trong nước.