Khách hàng bức xúc vì bị làm phiền, 7 nhà mạng lớn ký cam kết chặn cuộc gọi rác
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 29/8 vừa qua tại trụ sở Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng di động Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile, Itel, Local đã cùng ký thoả thuận cam kết (MoU) thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu vi phạm.
Đại diện các doanh nghiệp viễn thông đều thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, đảm bảo quyền lợi khách hàng, người sử dụng, tạo tiền đề phát triển các dịch vụ mới, không gian mới của lĩnh vực trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số - xã hội số tại Việt Nam. Trong 3 nhà mạng di động ảo ở Việt Nam hiện nay (Itel, Local và Reddi), mạng Reddi với đầu số 055 thuộc Công ty Mobicast đã không tham gia thỏa thuận cam kết này.
Đây là kết quả minh chứng cho sự chung tay giữa các nhà mạng trong việc xử lý cuộc gọi rác, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Các nhà mạng ký cam kết ngăn chặn cuộc gọi rác. |
Trong giai đoạn qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, nỗ lực triển khai phủ sóng toàn quốc. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng các ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng (telesales) mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng,...) gây phiền nhiễu. Đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.
Trước thực trạng trên, nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các cuộc gọi rác, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng cũng như của các doanh nghiệp quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định, xây dựng các Thông tư hướng dẫn tạo hành lang pháp lý, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp xử lý.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, hầu hết cuộc gọi rác gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo; đa phần xuất phát từ sim thuê bao chưa được định danh. Nếu các cuộc gọi được định danh, đó sẽ không còn là cuộc gọi rác.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, để ngăn chặn cuộc gọi rác, cần thiết sự chung tay của cả xã hội, đặc biệt là người dùng mới, để giải quyết triệt để vấn đề này. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn để người dùng có thể trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao rác, thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý các thuê bao này dựa trên quy định đã có.
Như vậy, bên cạnh giải pháp kỹ thuật của nhà mạng, cần sự chung tay của người dùng di động phản hồi trả lời về cuộc gọi rác. Cùng với giải pháp trên, cơ quan quản lý yêu cầu các nhà mạng tăng cường biện pháp xử lý sim có dấu hiệu tồn kênh (sim di động đã kích hoạt nhưng chưa sử dụng và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu).
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý sim rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định. Thứ trưởng Phạm Đức Long tin rằng, với việc ra quân và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà mạng và sự ủng hộ của toàn xã hội và sự vào cuộc truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí thì vấn nạn này sẽ được xử lý.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, muốn giải quyết vấn đề cuộc gọi rác, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, phải có cả sự chung tay của người sử dụng. Phải đẩy mạnh truyền thông để khách hàng thấy được quyền và nghĩa vụ, từ đó giúp nhà mạng và cơ quan quản lý xử lý vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.
Cục Viễn thông đặt mục tiêu sẽ giải quyết triệt để vấn nạn cuộc gọi rác sau chiến dịch siết chặt này. Ảnh minh hoạ. |
Trước đó, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác) lại tăng 1,5 lần, từ mốc 48,4 triệu cùng kỳ 2021 lên hơn 74,1 triệu trong 6 tháng đầu năm nay. Số thuê bao bị chặn do phát tán gọi rác là 113.416 thuê bao, tăng 53% so với con số 73.938 thuê bao bị chặn cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan quản lý xác định, trung bình mỗi tháng, có gần 400.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác (đặc điểm các thuê bao này là cuộc gọi đi lớn hơn nhiều so với cuộc gọi đến, các cuộc gọi có thời lượng rất ngắn, dưới 45 giây)…
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi “Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”.
- Khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác (được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh - Flash SMS ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác), người dùng có thể chủ động phối hợp trả lời (chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không”) để giúp nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác những cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra chế tài quản lý phù hợp. Mỗi người dân chỉ cần dành ra 3-5 giây gửi phản ánh, vấn đề cuộc gọi rác sẽ được xử lý triệt để. - Khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân có thể phản ánh qua cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, phản ánh thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục ATTT. |