Kết nối Internet chậm do đâu?

Thời gian qua, 4/5 tuyến cáp quang biển internet là AAG (Asia, America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia Africa Europe 1) và IA (Intra Asia - Liên Á) đều đồng thời gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.

Đây là lần đầu tiên tất cả doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đối mặt với việc ứng cứu quy mô lớn khi số cáp quang biển bị sự cố nhiều nhất. Trong bốn tuyến bị đứt, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 còn một phần hoạt động.

Tuyến cáp quang biển duy nhất đang hoạt động bình thường là SMW-3 (South-East Asia - Middle East - Western Europe 3). Tuy nhiên, SMW-3 là tuyến cáp quá cũ, dung lượng khả dụng thấp và không đóng góp nhiều cho đường truyền Internet đi quốc tế của Việt Nam.

Khắc phục tình trạng kết nối Internet chậm, Việt Nam dự định tăng thêm tuyến cáp quang biển
Người dùng phản ánh tốc độ mạng Internet chậm thời gian qua. (Ảnh minh hoạ)

“Đây là sự cố bất khả kháng. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực xử lý vấn đề nên rất cần sự sẻ chia của xã hội”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Cụ thể về thời điểm các tuyến cáp quang biển gặp sự cố như sau:

Internet giờ không chỉ là dịch vụ viễn thông, mà là thành phần quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nước ta có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, hơn 1 triệu công ty ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc internet đi quốc tế bị tắc nghẽn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày 28/1, tuyến IA gặp trục trặc do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua tuyến cáp này.

Có tổng chiều dài 6.800 km, đây là tuyến cáp quang kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Tuyến cáp IA đóng vai trò quan trọng để trung chuyển lưu lượng internet từ Việt Nam và các quốc gia khu vực châu Á đến châu Mỹ, châu Âu.

Ngày 21/1/2023, tuyến cáp quang biển quốc tế APG cũng gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Sự cố đã làm mất toàn bộ dung lượng internet trên tuyến cáp APG hướng kết nối Việt Nam đi Singapore và Nhật Bản.

Trước đó, ngày 26/12/2022, tuyến cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hồng Kồng (Trung Quốc), vẫn chưa khắc phục . Tuyến này có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.

Còn tuyến cáp AAG cũng gặp sự cố vào ngày 11/12/2022. Đến nay, tuyến cáp này cũng có một số sự cố khác chưa được sửa xong.

Mặt khác, cuối tháng 11/2022, tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố đồng thời trên 2 nhánh là S1H.1 hướng Hồng Kông (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Đến ngày 14/1/2023 nhánh cáp đi Singapore được sửa xong nhưng sự cố trên nhánh cáp kết nối đến Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn chưa được khắc phục.

Không chỉ thế, tuyến AAE-1 cũng đang gặp lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng hiện chưa thông báo kế hoạch sửa chữa.

Theo kế hoạch, phải đến cuối tháng 3/2023, thậm chí trung tuần tháng 4/2023, chất lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.

Khi nào các tuyến cáp biển được sửa chữa?

Trong giai đoạn 4/5 tuyến cáp quang gặp sự cố hiện nay, hạ tầng này đã mất khoảng 75% dung lượng. Các nhà mạng phải mua thêm 3 Tbps qua hướng đất liền, kết hợp biện pháp kỹ thuật để giảm dung lượng sử dụng và tăng dung lượng dự phòng.

Đại diện các nhà mạng trong nước cho biết, hệ thống ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển: APG, AAG, và IA vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023 tới.

Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22 đến 27/3/2023. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5 đến 9/4/2023.

Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30/3 đến 4/4/2023.

Tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3/2023.

Việc khắc phục sự cố trên các tuyến cáp quang biển phụ thuộc vào mức độ sự cố như: Thời tiết trên biển, thời gian xin phép tiếp cận vùng biển của các quốc gia để tiến hành sửa chữa.

Khắc phục tình trạng kết nối Internet chậm, Việt Nam dự định tăng thêm tuyến cáp quang biển
Phải đến cuối tháng 3/2023, thậm chí trung tuần tháng 4/2023, chất lượng kết nối Internet Việt Nam mới có thể tốt hơn. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết khi sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống sự cố xảy ra. Do đó, tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp chứ không tập trung ở một hoặc hai tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro.

Giải pháp khắc phục hiện tại

Sau cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 9/2, các nhà mạng cam kết chia sẻ dung lượng với nhau để khắc phục tình trạng nghẽn từ đêm 10/2. Ví dụ, Viettel chia 100 Gbps cho VNPT.

Sau đó, nhiều người dùng phản ánh tốc độ kết nối đã nhanh hơn nhưng chưa ổn định. Kết nối vẫn có thể bị chậm vào giờ cao điểm.

Ở giai đoạn bình thường, các tuyến cáp quang biển của Việt Nam có tổng dung lượng 18,7 Tbps. Các nhà mạng thiết lập 60% cho hoạt động, 40% cho việc dự phòng.

Ngày 10/2, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà cung cấp cần mua bổ sung dung lượng nhằm đảm bảo “dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng”.

Như vậy, dung lượng có sẵn phải cao hơn ít nhất 10% so với nhu cầu sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, trong hai ngày cuối tuần, lưu lượng của một số nhà mạng đã vượt mức 90%.

Theo báo cáo của Bộ, tính đến cuối ngày 12/2, lưu lượng của VNPT vào khoảng 95%, còn lưu lượng vào giờ cao điểm của Viettel là 96%. Kết nối mạng cố định của FPT và mạng di động của MobiFone khoảng dưới 80%.

Để khắc phục, VNPT đã đàm phán với các đối tác để mua thêm dung lượng cáp đất liền và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Viettel cũng cho biết sẽ tiếp tục đàm phán mua dung lượng để đảm bảo tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10%. Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông cho biết đã bù đắp được 50% dung lượng đi quốc tế.

Với nhà mạng FPT Telecom, ngay khi sự cố xảy ra, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ, đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi có đủ dung lượng kết nối, việc truy cập vẫn có thể bị chậm. Nguyên nhân được đưa ra là, các nhà mạng phải chuyển hướng kết nối qua các đường cáp biển còn lại cũng như cáp mặt đất dẫn đến tình trạng "đi vòng" với một số điểm đích kết nối, khiến tốc độ truy cập giảm.

Sẽ có 10 tuyến cáp quang biển vào năm 2025

Sự cố đứt 4/5 tuyến đang cho thấy, ngoài số lượng ít, Việt Nam chưa thể chủ động xây dựng tuyến cáp cũng như xử lý khi có sự cố. Chính vì vậy, cần có những giải pháp lâu dài để khắc phục sự cố, nâng cao chất lượng kết nối Internet ở Việt Nam.

Khắc phục tình trạng kết nối Internet chậm, Việt Nam dự định tăng thêm tuyến cáp quang biển
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu tăng thêm tuyến cáp quang biển trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu có 10 tuyến cáp quang biển vào năm 2025, trong đó có ba tuyến do Việt Nam làm chủ.

Bên lề cuộc họp về phương án khắc phục sự cố cáp quang biển, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, phương án ngắn hạn là mua thêm dung lượng để bù đắp phần bị mất do đứt cáp; còn kế hoạch dài hạn là triển khai thêm các tuyến cáp quang biển.

Theo kế hoạch được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Việt Nam sẽ tăng thêm 2 - 4 tuyến tính đến 2025, và 4 - 6 tuyến đến 2030. Theo đó, hai tuyến mới là ADC và SJC2 sẽ hoạt động trong năm nay đáp ứng đúng lộ trình, nâng số tuyến cáp quang biển tại Việt Nam lên con số bảy.

Với 7 tuyến cáp hiện tại, doanh nghiệp Việt tham gia với vai trò thành viên trong consortium (liên minh giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều nước).

Theo Cục Viễn thông, nếu tiếp tục đi theo hướng này, việc thành lập một consortium sẽ mất thời gian do cần mời nhiều bên tham gia, đồng thuận về lộ trình, nhu cầu...

Do đó, mục tiêu được đưa ra là xây dựng các tuyến cáp thuộc sở hữu của doanh nghiệp trong nước để tăng tính chủ động.

Bộ giữ vai trò quy hoạch, sau đó tập hợp các doanh nghiệp để cùng phối hợp. Có ba nhà mạng đang được giao, hoặc chủ động đề xuất tự xây dựng tuyến cáp riêng. Nếu hoàn thành vào 2025 như kế hoạch, Việt Nam sẽ kết nối với ít nhất 10 tuyến cáp quang biển.

Một phương án khác được đưa ra là kết nối trực tiếp vào Singapore - trung tâm kết nối gần Việt Nam nhất. Ngoài ra, tuyến cáp cũng có thể mở rộng số điểm cập bờ, thay vì chỉ ở ba điểm Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn như hiện nay, nhằm tăng khả năng dự phòng khi có sự cố.