Nguồn gốc của tập tục cúng tất niên, cúng giao thừa

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Cúng tất niên và cúng giao thừa là một nghi thức quan trọng trong dịp Tết cổ truyền

Theo phong tục của người Việt Nam, vào ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu) các gia đình thường chuẩn bị 2 mâm cúng, một mâm cúng tất niên và một mâm khác cho cúng giao thừa, với ý nghĩa chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.

Cúng tất niên và cúng giao thừa là một nghi thức Tết quan trọng diễn ra vào ngày cuối năm âm lịch, cũng có thể được xem như một bữa tổng kết năm cũ để bước sang năm mới và hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Ngày nay, để giản tiện, các gia đình có thể gộp chung lễ cúng tất niên với lễ cúng gia đình.

Nói về nguồn gốc, nhà văn hoá Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, lễ cúng tất niên gắn liền với Tết Nguyên đán, tuy rất khó xác định niên đại bắt đầu của Tết Nguyên đán, nhưng có thể suy rằng do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa thời cổ đại (tức hàng nghìn năm trước), người Việt Nam đã áp dụng lịch âm (lịch trăng), từ đó mới bắt đầu xuất hiện phong tục Tết Nguyên đán.

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Nguồn gốc tục cúng tất niên, cúng giao thừa khó thể xác định, chỉ dự đoán đã có từ rất lâu

Lễ cúng giao thừa cũng có từ lâu đời. Theo tục lệ dân gian, lễ cúng giao thừa nên được tiến hành vào khoảng từ 23 giờ 10 phút đến 0 giờ 40 phút của ngày hôm sau. Quãng thời gian này bao gồm một giờ của năm trước và một giờ của năm sau. Lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà.

Trong cuốn “Đất lề quê thói” của tác giả Nhất Thanh, vào thời khắc giao thừa, người ta làm lễ trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận. Niềm tin này bắt nguồn từ xa xưa, mỗi năm có một vị thần Hành khiển coi việc nhân gian, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu, và cũng gọi là Đương niên chi thần, mỗi vị hành khiển có một vị phụ tá là phán quan. Có 12 vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tý đến năm Hợi. Lễ trừ tịch tiễn và đón các vị Hành khiển Phán quân của năm cũ năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ.

Vì sao vẫn duy trì nghi lễ này?

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Lễ cúng tất niên là dịp gia đình sum vầy

Lễ cúng tất niên, cúng giao thừa là một nét văn hoá Á Đông đặc trưng của người Việt Nam từ bao đời nay. Nét phong tục này khó thể xoá nhoà dù cho cuộc sống xã hội có nhiều thay đổi, văn hoá nước ngoài ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người Việt hiện đại.

Người dân vẫn rất xem trọng ngày chuyển giao năm cũ và năm mới bởi đây là dịp con cháu làm lễ cúng để bày tỏ lòng nhớ ông bà, tổ tiên và cảm tạ trời đất. Để chuẩn bị cho lễ cúng, người dân dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho tươm tất, chăm chút lau dọn bàn thờ gia tiên để rước ông bà vào dịp Tết. Họ tin rằng, nếu bày tỏ lòng thành kính, họ sẽ nhận được nhiều điều tốt lành trong năm mới.

Lễ cúng tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả, cùng nhìn lại năm cũ đã qua và hướng về một năm mới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng, gia chủ mời thêm bạn bè và người thân đến dự bữa cỗ tất niên cùng gia đình, cùng nhau chờ đến khoảnh khắc giao thừa.

Mâm lễ cúng độc đáo ở ba miền

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa thịnh soạn hơn ngày thường

Mâm cỗ cúng ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) không được dùng cúng gia tiên. Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, nên là hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa.

Đáng nói, tuỳ từng vùng miền, mâm cúng có đặc trưng riêng; tuỳ từng gia đình, mâm cúng được bày trí một khác. Nếu như mâm cúng miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào...; miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua...; thì miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò...

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Hoa quả sử dụng thường phải là hoa quả tươi

Phong tục ở miền Bắc

Nhiều ý kiến cho rằng mâm cơm cúng tất niên miền Bắc được xem là phiên bản nguyên vẹn nhất theo tập tục cũ, với những món ăn truyền thống mang đậm vị xưa của người Á Đông. Quan niệm phổ biến nhất của người Bắc là mâm cúng tất niên thường có 4 bát 4 đĩa được bày trên mâm.

Mâm cơm cúng tất niên miền Bắc theo kiểu mặn thường có các món ăn như: bánh chưng, giò các loại (giò lụa, giò xào, giò bò), gà luộc, thịt đông, nem rán, canh măng, chè kho. Ngoài những món ăn quen thuộc, các gia đình miền Bắc còn có thể chuẩn bị thêm dưa hành muối, nộm đu đủ thịt bò khô hoặc nộm su hào, các món xào thập cẩm (su hào, mộc nhĩ, miến, lòng gà) và canh miến để bữa cơm đỡ ngán.

Mâm cơm cúng tất niên miền Bắc theo kiểu chay gồm các món như: Bánh chưng chay, chè kho (chè con ong), cơm, đậu rán, giò chay, canh củ quả chay hoặc canh măng chay, nộm đu đủ, xôi đậu xanh.

Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình và khẩu vị từng người mà các món ăn sẽ được thêm, bớt, gia giảm một số nguyên liệu và gia vị khác nhau.

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Mâm cỗ cúng miền Bắc mang nhiều nét đặc trưng Á Đông

Phong tục ở miền Trung

Là kinh đô triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Huế hiện vẫn giữ được nghi lễ cúng tất niên và cách sắp đặt

trong lễ cúng. Mâm cỗ cúng kiểu Huế rất đa dạng, các món ăn đều do gia chủ chuẩn bị và nhất thiết phải có bánh tét, dưa món, mứt gừng, những vật phẩm đặc trưng cho phong vị Tết.

Tùy theo hoàn cảnh sẽ có món mặn gồm thịt heo, thịt gà, hoặc cả hai loại, các món xào, canh,… Gia đình nào tươm tất thì có thêm đĩa bát miến Huế, đĩa thịt đông, chả Huế, đĩa dưa món, bát canh măng khô, đĩa cá chiên,…

Người Huế bố trí bàn cúng tất niên cầu kỳ, đủ ba bàn thượng, trung, hạ. Trên bàn thượng, người Huế thường để bình hoa, mâm ngũ quả, xôi, chè, con gà trống. Mâm ngũ quả phải có nải chuối bởi chuối tượng trưng cho sự sung túc.

Bàn trung có các món xào, bánh tét, bánh chưng, món mứt... Bàn hạ ngoài áo binh, hột nổ, người ta cúng thêm khoai, sắn, đậu, những phẩm vật dành cho cô hồn vất vưởng không có gia đình thờ tự.

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Cau trầu và các loại mứt truyền thống xứ Huế trên mâm cúng Trừ tịch

Phong tục ở miền Nam

Bởi thời tiết nắng nóng, người miền Nam thường ưu tiên những món nguội để làm mâm cơm tất niên, tránh đồ ăn bị hỏng.

Thông thường, một mâm cúng tất niên ở miền Nam bao gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, bánh tét và mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn). Nếu cỗ mặn sẽ bao gồm: bánh tét, củ cải ngâm, canh măng tươi, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, thịt heo luộc, gỏi tôm thịt, chả giò, dưa giá, củ kiệu.

Đặc biệt, mâm cỗ cúng ở miền Nam thường dùng bánh tét thay cho bánh chưng. Loại bánh này cũng được làm từ gạo, đỗ xanh và nhân thịt nhưng được gói dài và xắt thành từng miếng hình tròn vừa ăn. Có nhiều loại bánh tét cho dịp Tết như bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt hay bánh tét chiên giòn.

Mặt khác, củ kiệu của miền Nam cũng được thay cho củ hành muối miền Bắc để ăn kèm với bánh tét. Ngoài ra, các gia đình có thể thêm món cháo cá ám ăn kèm với rau thơm và cây chuối non xắt mỏng để bàn tiệc trong đa dạng hơn và bớt cảm giác ngấy vì nhiều thịt (đạm) và cơm, bánh (tinh bột).

Một điểm đặc biệt khác là canh khổ qua thường xuất hiện trong các bữa ăn ngày Tết của người miền Nam. Trái với tên gọi, người dân Nam Bộ tin rằng, ăn món canh này vào đầu năm sẽ đem đến niềm vui, hạnh phúc và may mắn trong năm mới.

Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng tất niên, cúng giao thừa Tết Nhâm Dần 2022
Bánh tét, canh khổ qua, củ kiệu... là những đặc trưng của mâm cỗ miền Nam

Lời kết

Với người Việt Nam, việc chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa sao cho thật chỉnh chu chính là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, tổ tiên và thần linh. Đây là những phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình Việt trước thời khắc đón chào năm mới.

Tùy vào phong tục mỗi vùng miền, các món ăn trong mâm cúng tất niên sẽ được thay đổi sao cho phù hợp với truyền thống của từng nơi nhưng nhìn chung, mâm cỗ ngày Tết ở cả ba miền Việt Nam đều mang đến sự ấm áp, gắn kết keo sơn giữa mỗi thành viên trong gia đình.