"Vào ngày 15/11/2022, dân số thế giới dự kiến đạt 8 tỉ người, một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của nhân loại.

Sự gia tăng dân số chưa từng có này là do tuổi thọ con người tăng dần nhờ sự cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y học. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao và liên tục ở một số quốc gia", Liên Hiệp Quốc thông báo trên trang web.

Phát biểu tại sự kiện Thế giới 8 tỉ người diễn ra tại Tòa nhà xanh Liên hợp quốc sáng 15/11, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, ngày 15/11 là một ngày rất đặc biệt, đánh dấu thời khắc dân số thế giới đạt 8 tỉ người. 12 năm trước, dân số thế giới mới chỉ chạm mốc 7 tỉ người, chúng ta kỳ vọng đến năm 2037 con số này mới lên 8 tỉ.

Theo bà, thế giới đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đồng thời tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi. Các dự đoán cho rằng, đến năm 2050, tuổi thọ trung bình vào khoảng 77,2 năm.

Trong tương lai, nhân loại có thể đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030, 9,7 tỷ vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không diễn ra đồng đều trên khắp hành tinh. Hơn 50% mức tăng dân số dự kiến đến năm 2050 tập trung ở 8 quốc gia: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.

Hôm nay, thế giới có 8 tỷ người.
Hôm nay, thế giới có 8 tỷ người. Ảnh minh họa

Trong khi đó, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm tới, và một số dự báo cho rằng Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,16 vào năm 2021, là mức thấp hơn tiêu chuẩn 2,1 của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) cho dân số ổn định, và thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Liên hợp quốc cũng đưa ra dự báo rằng, tỷ lệ người 65 tuổi sẽ tăng từ 10% trong năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Con số đó gần gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi và gần bằng số trẻ em dưới 12 tuổi. Xu hướng dân số già hóa được cho là sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia khi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng cao.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cả 3 thành tố của sự thay đổi dân số. Tuổi thọ toàn cầu giảm xuống còn 71 tuổi vào năm 2021. Ở một số quốc gia, các đợt đại dịch liên tiếp có thể đã làm giảm số ca mang thai và sinh con trong thời gian ngắn. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, có rất ít bằng chứng về tác động của đại dịch với sinh sản. Tuy nhiên, đại dịch đã hạn chế di cư quốc tế.

“Động thái của các chính phủ nhằm giảm mức sinh sẽ ít có tác động đến tốc độ tăng dân số từ nay cho đến giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, chúng sẽ có tác động tích lũy và có thể làm giảm đáng kể tốc độ sinh toàn cầu trong nửa sau của thế kỷ”, John Wilmoth, Giám đốc Ban Dân số của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc, cho biết.