Cụ thể, hàng trăm người dân đã tập trung gửi đơn tố cáo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) liên kết với bảo hiểm Manulife có dấu hiệu chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Các nạn nhân xác nhận chỉ làm việc với ngân hàng chứ không làm việc với bảo hiểm. Những người tố cáo còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác như kê khống thu nhập, sai nghề nghiệp...

Chia sẻ với Báo Công thương, chị Nguyễn Thanh Xuân (phường 4, quận 3, TP HCM) cho biết, khi đến ngân hàng SCB gửi tiết kiệm vào năm 2021, chị Xuân được nhân viên tư vấn của ngân hàng này tư vấn sản phẩm Tâm An đầu tư với mức lãi suất cao hơn. Đến nay đã đóng 200 triệu đồng và gần đây mới phát hiện gói tiết kiệm thực chất là bảo hiểm nhân thọ Manulife.

Cũng giống chị Xuân, chị P.L.T.K. (ngụ quận 10), cho biết năm 2020 chị gửi tiết kiệm tại SCB thì được tư vấn đầu tư sản phẩm sinh lời 15%/năm. Sau 5 năm sẽ nhận được cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, năm 2022, chị K. phát hiện có vấn đề nên khiếu nại nhưng phía bảo hiểm từ chối hủy hợp đồng cũng như hoàn lại số tiền đã đóng. Hiện gia đình chị K. có 3 người tham gia với số tiền đã đóng khoảng 350 triệu đồng.

Hơn 100 người đến Công an TP. Hồ Chí Minh tố cáo Ngân hàng SCB và Manulife
Hàng người xếp hàng đến Công an TP HCM tố cáo Ngân hàng SCB và Manulife. Ảnh: Người Lao động

Theo thống kê của nhóm người dân tố cáo trưa 20/4, chỉ riêng nhóm này đã có gần 330 nạn nhân với số tiền đổ vào sản phẩm Tâm An đầu tư là gần 62 tỷ đồng, chưa kể những nhóm nạn nhân khác. Trước đó, nhóm này đã có 34 người gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Liên quan đến vấn đề giải quyết tin báo tố giác tội phạm, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM cho biết:

Điều 147 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh. Từ đó, ra một trong những quyết định như Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng VKSND cùng cấp hoặc Viện trưởng VKSND có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

Chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị VKSND gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

"Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...", bà Nhuệ nói.