Hà Nội: Tổ chức Lễ hội truyền thống đình Hà 2023
Theo Thần phả và các tài liệu được lưu giữ tại đình, đình Bối Hà (nay gọi là đình Hà) thờ thành hoàng Đại vương Triệu Chí Thành. |
Phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, cụm di tích đình - chùa Hà chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử. Đình Hà nằm ngay sát cạnh chùa Hà, một ngôi chùa cổ, được xây dựng bởi tiền công đức từ thời vua Lý Nhân Tông (1054 – 1072). Chùa có tên tự là Thánh Đức Tự. Chùa Hà cùng với Đình Hà kết lại tạo thành một cụm di tích có tên gọi là Đình - Chùa Hà. Nơi đây nổi tiếng linh ứng với nhiều câu chuyện, huyền thoại gắn liền với lịch sử dân tộc.
Được biết, địa danh cổ làng Vòng, tên chữ là Dịch Vọng. Gồm các thôn theo thứ tự anh em: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung . Làng Vòng cổ là vùng đất hữu ngạn dòng sông Tô Lịch có nhiều truyền thuyết tâm linh của kinh thành Thăng Long. Đây là vùng đất nằm trên đường Thiên Lý - Lai Kinh, là đất địa linh sinh nhiều nhân kiệt có công với quê hương, đất nước được ghi vào sử sách. Làng Vòng là vùng đất cổ nổi tiếng có hệ thống đình, chùa cổ kính được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, Thành phố như Đình Thọ Tháp thờ hai thành hoàng Đại vương Chu Lý, Đại vương Triệu Chí Thành là hai vị tướng quân anh hùng đã cùng vua Triệu Việt Vương lãnh đạo nước Vạn Xuân chống lại cuộc xâm lược của quân nhà Lương; Đình Bối Hà cùng thờ thành hoàng Đại vương Triệu Chí Thành.
Đáng chú ý, đình Bối Hà được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh; Với vị trí đặc biệt nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành Thăng Long xưa, một vùng đất có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, Đình Bối Hà là nơi bảo lưu, giữ gìn những di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân; Là nơi đặt ngai và bài vị thờ vị thần Đại vương Triệu Chí Thành, người đã có công chế tác nỏ thần linh nghiệm đánh đuổi quân Lương, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong dân gian vùng, có câu ca ngợi về Đại vương Triệu Chí Thành.
Lễ hội Đình Bối Hà là lễ hội cổ truyền có từ rất lâu đời. Từ xưa tục truyền rằng ngoài việc giáp Bối Hà hàng năm xuân thu nhị kỳ mang lễ sang Đình Thọ Tháp, còn định kỳ mấy năm một lần giáp Bối Hà, rước kiệu Thánh Em sang thăm Thánh Anh. Các già làng của xóm Bối Hà quyết định lấy ngày 9 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân ngày sinh của Đức Đại Vương Chu Lý, đem lễ dâng và cùng các cụ xóm Tháp tổ chức lễ tế Thánh tại Đình Thọ Tháp. Riêng Đình Bối Hà tổ chức Lễ vào 2 ngày 11 tháng Giêng ngày sinh của Đức Đại vương Triệu Chí Thành và ngày 12 tháng tám là ngày Thánh hoá, nhằm tôn vinh công lao hiển hách của các vị Thành hoàng làng, là dịp để nhân dân các thôn / xóm giao hiếu, thăm viếng, giúp đỡ nhau trong việc Lễ hội, rước kiệu Thành hoàng....
Đình Hà đã được Quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng đầu tư tôn tạo, tu bổ lớn vào các năm 1998, 2014, Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 16/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội. |
Không những thế, ngày 15/8/1945 tại khu di tích Đình Chùa Hà, Đại tướng Nguyễn Quyết – nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã họp hội nghị quan trọng của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội, bàn về phương thức khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8, dành chính quyền. Đây cũng là nơi vinh dự được đón đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy đến thăm, làm việc: Năm 2001, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là bí thư Thành Ủy Hà Nội, nay là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), năm 2021 đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng chí Vương Đình Huệ (khi đó là bí thư Thành Ủy Hà Nội, nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến thăm, làm việc...
Trải qua hàng trăm năm, các di tích lịch sử văn hóa của làng Vòng cổ, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã được các cấp chính quyền quan tâm tu bổ di tích, bảo vệ di sản, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Đình Hà đã được Quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng đầu tư tôn tạo, tu bổ lớn vào các năm 1998, 2014, Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 16/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội. Đó là thành quả, công sức, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích lịch sử cách mạng, văn hóa phi vật thể cho muôn đời con cháu mai sau.