Trong thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã trải qua cơn “sốt đất” đồng loạt ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, trong đó chủ yếu là sản phẩm đất nền, dù đã có nhiều cảnh báo mang tính chất pháp lý được đưa ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng từng cho biết, trong quý I/2021 thị trường BĐS có nhiều biến động, xuất hiện tình trạng tăng giá bán tăng nóng đặc biệt là đối với sản phẩm đất nền. Theo đánh giá, trong quý I/2021, các địa phương trên cả nước đã xuất hiện nhiều hiện tượng mua bán đất nền và cũng có rất nhiều cảnh báo được đưa ra liên quan đến tính chất pháp lý cho vấn đề này. Tuy nhiên, điều đáng nói, những khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng. Nhưng nhiều khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung, thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản 1153/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND Tp giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và chính quyền địa phương trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.

Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý thị trường BĐS
Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý thị trường BĐS.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản...

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng tổ chức kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, các sàn giao dịch bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý, kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.

UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản
HoREA đề xuất các giải pháp ngăn chặn tình trạng "sốt đất" trong thời gian gần đây (Ảnh Petro Times)

Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã đề xuất Chính phủ ban hành các sắc thuế mới và đánh thuế cao các trường hợp có nhiều đất, chậm đưa đất vào sử dụng...

Với đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, HoREA đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất.

Với đề xuất đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng, hiện nay pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Với đề xuất ban hành thuế bất động sản, hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.