Cụ thể, tại buổi giao ban khi đề cập đến việc quản lý lòng đường, vỉa hè, ông Đinh Tiến Dũng đánh giá Ban chỉ đạo 197 (Ban chỉ đạo liên ngành do công an làm thường trực) đã ban hành kế hoạch, tổ chức lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để hài hòa giữa đảm bảo trật tự đô thị, phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, các cơ quan cần nghiên cứu cách làm căn cơ, duy trì kết quả lâu dài, không "bắt cóc bỏ đĩa", lãng phí nguồn lực.

Nguyên nhân sâu xa của những bất cập trong quản lý lòng đường, vỉa hè hiện nay, theo ông Dũng là thiếu quy hoạch, thiếu công khai, minh bạch. Người dân dễ vi phạm trở lại khi thiếu sự giám sát của lực lượng chức năng. "Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân và cũng phần nào là kinh tế đô thị", ông nói, giao UBND thành phố chỉ đạo các sở chuyên ngành nghiên cứu lập quy hoạch quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố, từng khu vực.

Các quận nội đô được yêu cầu lấy ý kiến đơn vị liên quan và người dân để có sự đồng thuận trong thí điểm cho thuê mặt bằng ở những tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Ban Thường vụ Thành ủy sắp tới ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý lòng đường, hè đường.

Giải pháp đầu tiên Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo là phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè, có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ..., bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.

Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành "số hóa" để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Lực lượng công an nhắc nhở một trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng
Lực lượng công an nhắc nhở một trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng

Báo cáo kết quả kiểm tra sau gần một tháng giành lại vỉa hè, Phó chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn cho biết các lực lượng đã xử lý gần 7.500 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị (tăng khoảng 3.500 so với tháng trước), phạt hơn 9 tỷ đồng. Một số quận có kết quả xử lý cao như Hoàng Mai (1.500 trường hợp), Đống Đa (1.100), Hoàn Kiếm (650), thị xã Sơn Tây (140).

Hiện tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm dần; việc sắp xếp phương tiện cơ bản gọn gàng, đúng quy định. Các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và lực lượng chức năng tháo dỡ. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra vướng mắc hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông tĩnh) chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nên một số hành vi vi phạm không được giải quyết triệt để (như dừng, đỗ ôtô, trông giữ phương tiện không phép). Ngoài ra, số hộ dân dựa vào lòng đường, vỉa hè mưu sinh lớn, có nhiều trường hợp kinh doanh trên hè phố từ rất lâu đã phản ứng khi bị giải tỏa.

Ông Tuấn cho biết thời gian tới, UBND thành phố sẽ rà soát, đánh giá để thống nhất danh mục tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố. Các tiêu chí cụ thể để cho phép đỗ phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố cũng được nghiên cứu, gồm: Bề rộng hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; các phố không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm.

Thành phố cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ôtô dừng, đỗ trên hè phố; sửa đổi Quyết định 09 ngày 3/5/2018 quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn. Nội dung được bổ sung gồm: Quy định hè phố chỉ được phép dành một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy; không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ ôtô.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố, các quận, huyện được giao nghiên cứu phương án sắp xếp cho hộ kinh doanh trên hè phố, điểm trông giữ phương tiện, chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để đảm bảo trật tự đô thị và cuộc sống người dân; nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh.

Các quận, huyện cũng phải sớm triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Kế hoạch lập lại trật tự đô thị của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 đến hết ngày 28/2 với trọng tâm vận động người dân ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm lấn chiếm lòng lề đường. Giai đoạn 2 (1-31/3), Ban Chỉ đạo 197 sẽ tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố. Giai đoạn 3 (1/4-1/11), các lực lượng duy trì kiểm tra, không để vi phạm tái diễn.