Cụ thể, Hà Nội dự kiến diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15m2 (gồm 12 quận); đối với khu vực ngoại thành là 8m2 (gồm 18 huyện, thị xã).

Dự thảo tờ trình của UBND TP Hà Nội cho biết, việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, diện tích nhà ở tối thiểu là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ. TP Hà Nội kỳ vọng thông qua quy định này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.

Về cơ sở thực tiễn, UBND thành phố Hà Nội cho biết, một số tỉnh hoặc huyện thuộc thành phố trực thuộc T.Ư cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn; số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Do đó, đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú thuộc nhóm đối tượng này được luật Cư trú 2020 quy định giao HĐND cấp tỉnh quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu khi đăng ký thường trú nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; đồng thời cũng là quy định để có thể phân bổ dân cư.

Hà Nội lấy ý kiến ở nhà thuê trên 15 m2 mới được đăng ký thường trú. Ảnh minh họa
Hà Nội lấy ý kiến ở nhà thuê trên 15 m2 mới được đăng ký thường trú. Ảnh minh họa

Trước đó, trong tờ trình dự kiến trình lên HĐND Hà Nội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022, UBND Hà Nội quy định điều kiện để người dân đăng ký thường trú với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu Nhà nước, hạn mức diện tích bình quân tối thiểu phải đảm bảo 8 m2.

Với nhóm nhà ở còn lại, diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn và ở nhờ.

Tuy nhiên, ngay trước thềm kỳ họp, UBND thành phố đề nghị lùi thời gian trình và ban hành Nghị quyết trên "để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản, bao gồm các công đoạn: thời gian hồ sơ đề nghị xây dựng, thời hạn đăng tải, thẩm định, trình thẩm".

Theo chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt vào tháng 10/2022, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, chỉ tiêu diên tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2/người, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 29,5 m2/người.

Trong đó, khu vực đô thị đạt 31 m2/người và nông thôn đạt 28 m2/người.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chung cư phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, diện tích sử dụng tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2. Đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25% tổng số căn của dự án.

Trong khi đó, số liệu thống kê của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho thấy giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6/2022, tổng số dự án có nhà ở được chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc là hơn 1.600 dự án, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 31,1 triệu m2. Ước tính số cư dân về ở dự kiến gần 559.000 người, tương đương 52,8 m2/người.