Từ tháng 7/2018 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành TP và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

Kết quả cho thấy, có 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha) được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai 5 đoàn hậu kiểm đối với 99 dự án trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra của UBND thành phố Hà Nội. Kết quả, Sở đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha. Các dự án kiến nghị thu hồi tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Ba Vì.

Hà Nội lập đoàn kiểm tra ra soát, xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai

Danh sách 29 dự án bị kiến nghị thu hồi tại Hà Nội

Huyện Mê Linh có 5 dự án gồm: khu đô thị mới Vinalines (Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc); khu đô thị Việt Á (Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á); khu đô thị mới BMC (Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại); khu đô thị mới Prime Group (Công ty Cổ phần Prime Group) và dự án trồng hoa, cây xanh cảnh quan, rau sạch kết hợp du lịch sinh thái (Công ty Cổ phần quốc tế Hùng Việt).

Huyện Thạch Thất có 10 dự án gồm: khu đô thị Tiến Xuân (Công ty TNHH Một thành viên SUDICO Tiến Xuân); trường đại học Hòa Bình, Khu nhà ở cho cán bộ giáo dục trường đại học Hòa Bình; khu biệt thự nhà vườn của Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc và Công ty Xây dựng Trường Giang; nhà máy sản xuất cọc bê tông (Công ty Cổ phần Licogi 13); trung tâm thương mại dịch vụ (Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ); biệt thự nhà vườn (Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Thành Như); mở rộng nhà máy sản xuất (Công ty Minh Nguyệt); xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny Light (Công ty Cổ phần Ánh Dương); dự án xây dựng nhà vườn (xã Yên Bình và Tiến Xuân của Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại Hòa Bình).

Huyện Ba Vì có 2 dự án là: nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Công ty Cổ phần bê tông Vạn Trường Thành) và khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên (Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Tản Viên).

Quận Nam Từ LiêmBắc Từ Liêm có 3 dự án: khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc (Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Đầu tư Phú Hoà); chợ lâm sản Thượng Cát (Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội); bãi đỗ xe tĩnh tại khu đất bãi sông Hồng TDP (Công ty Cổ phần xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An).

Quận Long Biên: Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng của Hợp tác xã công nghiệp Thăng Long.

Thị xã Sơn Tây: Dự án xưởng sản xuất mành tại Văn Miếu - Đường Lâm của Công ty TNHH Mành trang trí.

Huyện Ứng Hòa: Dự án xây dựng cơ sở sản xuất gạch đá mạt, kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp của Công ty TNHH vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái.

Quận Hai Bà Trưng: Dự án cải tạo xây dựng tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du của Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.

Quận Đống Đa: Dự án khai thác chợ Kim Liên của Công ty Cổ phần Văn Phú - Invest.

Huyện Hoài Đức: Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc.

Quận Thanh Xuân: Dự án văn phòng làm việc, trung tâm thương mại kết hợp nhà ở để bán của Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật VACVINA.

Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, hiện có 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án Khu đô thị mới Vân Canh tại huyện Hoài Đức của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nợ đến hơn 1.025 tỷ đồng tiền thuế đất, dự án chưa điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố đang yêu cầu Tổng Công ty này nộp tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp và hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tương tự, dự án Khu nhà ở cho cán bộ cao cấp Bộ Công an tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 Vạn Xuân nợ 200,5 tỷ đồng, chưa điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư; dự án xây dựng trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê quận Tây Hồ của Công ty cổ phần Xây dựng Sồng Hồng nợ 57,3 tỷ đồng, cũng chưa điều chỉnh chủ trương đầu tư; dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà, Đống Đa của Công ty TNHH tổng hợp Huy Hùng nợ 45,2 tỷ đồng…

Do đó mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Tư pháp, Cục Thuế Hà Nội, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện có liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, đã được UBND TP gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 nhưng hết thời gian được gia hạn mà chưa đưa đất vào sử dụng.

Những trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, yêu cầu Sở TN&MT cùng đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chỉ đạo.

Tại Báo cáo số 20/BC-HĐND về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Qua rà soát, TP có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Đất đai.

Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Đất đai.