Chia sẻ về các trường hợp sơ sinh mắc sốt xuất huyết, BS. Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết: “Trong số các bé sơ sinh bị sốt xuất huyết mà Bệnh viện mới tiếp nhận, có bé nhỏ nhất chỉ 5 ngày tuổi (ở quận Long Biên, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng bị vàng da. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhi xuất hiện biểu hiệu sốt; kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ dương tính với sốt xuất huyết trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh”.

Sau khi nhập viện và được điều trị tích cực, chỉ sau 3 ngày thể trạng của trẻ đã ổn định.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận một trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi (ở Long Biên, Hà Nội) là trẻ sinh non tháng, sức khỏe yếu, được gia đình đưa tới với dấu hiệu bú kém, ngủ li bì, tím tái; sốt khi vào viện. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện trẻ bị mắc sốt xuất huyết. Sau khi nhập viện 3 ngày, trẻ đã bị suy hô hấp, có dấu hiệu cô đặc máu. Các bác sĩ đã chỉ định thở oxy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh và đặt ăn qua sonde cho trẻ. Rất may, cơ thể trẻ đáp ứng tốt với kháng sinh và phác đồ điều trị nên thể trạng trẻ đã ổn định và cai được thở máy sau 4 ngày.

Theo BS. Vũ Thị Thu Nga, trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết là rất ít xảy ra; tuy nhiên gần đây đã có ghi nhận các ca bệnh. Với trẻ sơ sinh mắc SXH, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn với bệnh lý khác và bỏ sót. Vì vậy, các gia đình đang sống trong vùng dịch sốt xuất huyết lưu hành cần cảnh giác phòng bệnh cho các bé.

Theo đó, quan trọng nhất là phòng tránh muỗi đốt cho trẻ, tránh phát sinh muỗi ở nơi sinh sống bằng cách: Diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống để tránh muỗi có nơi sinh sôi. Cha mẹ cần phòng muỗi đốt cho bé sơ sinh bằng cách quấn khăn, tã kín tay chân và cho nằm màn (kể cả ban ngày), bật điều hòa phòng ở mức 28 độ để phòng muỗi đốt.

Người dân cũng chú ý, khi thấy trẻ có dấu hiệu: Sốt, bú kém, li bì… nên đưa trẻ đến bệnh viện để phát hiện nếu bị sốt xuất huyết, và điều trị kịp thời các biến chứng nếu có.

Hà Nội ghi nhận một số trẻ sơ sinh mắc SXH. Ảnh: An ninh Thủ đô
Hà Nội ghi nhận một số trẻ sơ sinh mắc SXH. Ảnh: An ninh Thủ đô

Hiện tại, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội từ 11/11 đến nay số ca mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu chững lại, Hà Nội ghi nhận 1.378 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước đó), trong đó có 2 ca tử vong; thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện.

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; trong đó, một số quận, huyện có số ca mắc cao như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca)...

Các chuyên gia nhận định: Trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng.

Sở Y tế Hà Nội dự báo, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong giai đoạn cao điểm của dịch, nguy cơ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi khám muộn, đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh cảnh diễn biến nặng là do tâm tí người dân theo thói quen chủ động điều trị không đúng phương pháp, thậm chí tự ý kê đơn, truyền dịch thiếu an toàn.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết; đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.