Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, việc chi trả hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) được đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, tính đến ngày 8/8/2022, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 183.480 lượt NLĐ/298.114 lượt NLĐ dự kiến hỗ trợ (đạt 61%) với số tiền đã chi trả là 95.613.000.000 đồng/166.581.000.000 đồng (đạt 57%).

Trong đó, chính sách hỗ trợ NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp: Các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 175.734 lượt NLĐ với số tiền đã chi trả là 87.867.000.000 đồng.

Chính sách hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động: Các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 7.746 lượt NLĐ với số tiền đã chi trả là 7.746.000.000 đồng.

Hiện, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đến các chủ cơ sở thuê trọ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở và người cho thuê trọ, thuê nhà tạo điều kiện cho NLĐ xác nhận tình trạng đang thuê nhà, thuê trọ.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ, đáp ứng sự mong chờ của NLĐ.

Đến ngày 8/8, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 183.480 lượt NLĐ/298.114 lượt NLĐ dự kiến hỗ trợ Ảnh minh họa
Đến ngày 8/8, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 183.480 lượt NLĐ/298.114 lượt NLĐ dự kiến hỗ trợ. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), tính đến nay, có 60/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ nhận hỗ trợ (2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng thụ hưởng).

Cụ thể, đã có 2.844.944 lao động tại 56.351 doanh nghiệp được đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí trên 1.883 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có trên 1 triệu lao động được nhận tiền hỗ trợ với số tiền hơn 728 tỷ đồng (đạt 11,23% so với dự kiến).

Tính đến thời điểm hiện tại có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Hà Nội (12,32%), Bắc Giang (39,42%), Đồng Nai (24,27%)… là 3 trong 6 địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ cho nhiều người lao động.

Ngoài 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân, một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm, như: An Giang (0,08%), Hải Phòng (0,2%), Kiên Giang (0,23%), Bình Định (0,47%), rất nhiều tỉnh khác tỉ lệ giải ngân dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa…

Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp, như Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

Phân tích nguyên nhân cụ thể của việc giải ngân chậm trễ, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, nguyên nhân lớn nhất là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

"Có thể thấy trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa rất nhiều, nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động vẫn yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú… dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động", ông Vũ Trọng Bình nêu thực tế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khi nhận hồ sơ, trong 2 ngày phải thẩm định, sau 2 ngày phải giải ngân hỗ trợ cho người lao động - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngày 15/8 kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 30/8 phải hoàn thành việc giải ngân. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, tình trạng chậm hỗ trợ còn do người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần, nên đến tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Mặt khác, người sử dụng lao động cũng có tâm lý e ngại bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động đang rất mong chờ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, nhưng tiến độ giải ngân gói 6.600 tỷ đồng rất chậm. Việc này ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế-xã hội, ổn định thị trường lao động.

Bộ trưởng đánh giá, những đợt thực hiện các chính sách an sinh trước còn khó khăn để thu xếp nguồn lực. Hiện tại với gói 6.600 tỷ đồng này, tiền đã phân bổ về các địa phương mà vẫn chưa giải ngân được. Bộ trưởng khẳng định: "Ngày 15/8 kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 30/8 phải hoàn thành việc giải ngân".