Cụ thể, chung cư 6th Element là một khu chung cư cao cấp nằm trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) với 2 tòa chung cư, gần 1.200 căn hộ. Chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà và đơn vị quản lý vận hành là Công ty CP Quản lý tòa nhà Friendly.

Sự việc đang khiến các cư dân tại đây bức xúc xảy ra vào chiều ngày 27/5 khi chung cư bỗng dưng xuất hiện biển “thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ” được dán ở khu vực thang chở hàng mà cư dân không được Ban quản lý tòa nhà thông báo.

Theo tìm hiểu, tòa nhà có 5 thang máy, trong đó 4 thang máy sử dụng cho cư dân đi lại, 1 thang máy để chở hàng. Cư dân đi lại phải dùng thẻ quẹt. Trước việc tòa nhà xuất hiện tấm biển phân thang đi lại này, đại diện cư dân cho hay: “Tôi cảm thấy Ban quản lý có hành động như vậy gây áp lực về mặt tinh thần cho cư dân rất lớn. Mặc dù hiện tại họ vẫn giữ “lời hứa” ngày 1/6 mới áp dụng các biện pháp mạnh tay. Hiện tại, Ban quản lý chưa cắt thẻ thang máy nào của cư dân nhưng có thể thấy đây là động thái cảnh báo, dọa dẫm cư dân”.

Chung cư cao cấp 6th Element nằm trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư.
Chung cư cao cấp 6th Element nằm trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư

Chủ đầu tư áp đặt mức phí dịch vụ 12.700 đồng/m2 nhưng cư dân muốn minh bạch hoạt động thu, chi để xem mức phí dịch vụ đã hợp lý chưa. Đại diện cư dân có tính toán dựa trên những gì họ cung cấp thì tối đa mức phí dịch vụ chỉ 9.000 đồng/m2, nếu thu 12.700 đồng/m2 là vượt quá rất nhiều.

Sau khi có yêu cầu của UBND phường, các cư dân chưa đóng phí đã ngồi lại bàn bạc với nhau và thống nhất đóng với mức phí 9.000 đồng/m2. Thế nhưng, Ban quản lý tòa nhà vẫn đang tiếp tục gây áp lực cho cư dân. Nếu với lượng dân cư hơn 500 căn hộ dồn hết chỉ dùng một thang máy để đi lên trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như thế này thì nguy cơ dịch bệnh sẽ như thế nào? "Ban quản lý là đơn vị làm thuê cho cư dân, chủ đầu tư nói rõ thang máy là thuộc quyền sở hữu chung, chứ không phải là quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư, vậy tại sao lại cắt không cho chúng tôi sử dụng những thang máy đó. Cuộc sống trong một chung cư tiền tỷ mà tất cả mọi thứ đều bị áp đặt, không khác gì ở tù” - đại diện cư dân bức xúc.

Quan trọng hơn, cư dân muốn được đối thoại với chủ đầu tư bởi ngoài việc liên quan đến phí dịch vụ thì nhiều hạng mục, tiện ích như nhà hát, hầm rượu, skybar, màn hình công cộng, Aqua Gym... mà chủ đầu tư "hứa" trước đó chưa được đưa vào sử dụng. Đáng nói, cư dân nhiều lần gửi công văn, đặc biệt có công văn có gần 600 chữ ký của cư dân nhưng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía chủ đầu tư.

Được biết, sau hơn một năm rưỡi nhận nhà, cuộc sống của nhiều người dân nơi đây vẫn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi đang có mâu thuẫn vì mức phí dịch vụ.

Việc dán biển “thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ” đang gây bức xúc cho cộng đồng cư dân
Việc dán biển “thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ” đang gây bức xúc cho cộng đồng cư dân

Liên quan đến hành động trên, bà Nguyễn Thị Đoan – Giám đốc Công ty CP Quản lý tòa nhà Friendly đã có chia sẻ với báo chí rằng đây là phương án giải pháp, phương án chuẩn bị, chưa áp dụng cắt thẻ thang máy đối với bất cứ trường hợp nào; đây cũng là lời nhắc nhở công nợ để mọi người cùng hợp tác. Đồng thời cũng để đảm bảo công bằng cho những cư dân đã đóng phí rồi. Phương án chuẩn bị này để động viên, kêu gọi mọi người hiểu được sự khó khăn của Ban quản lý tòa nhà nhằm có ý thức đang sử dụng dịch vụ thì phải đóng phí dịch vụ.

Theo vị Giám đốc này, số hộ dân nợ 5 tháng phí dịch vụ liên tiếp rất nhiều, lên đến hơn 2 tỷ đồng, dẫn đến việc Ban quản lý gặp khó khăn trong công tác quản lý vận hành. Và nếu phương án “thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ” áp dụng thì sẽ áp dụng cho những căn hộ nợ 5 tháng liên tiếp.

Trả lời nghi vấn rằng việc dán biển này do Ban quản lý làm hay do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà ‘chỉ đạo’ thì Giám đốc Công ty CP Quản lý tòa nhà Friendly cho biết việc này hoàn toàn do Ban quản lý bởi họ là người vận hành, là người phục vụ và phải có trách nhiệm thu hồi công nợ về cho Công ty, chủ đầu tư hoàn toàn không có quyết định này.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch: ‘Không có luật nào cho phép Ban quản lý có quyền quy định ai nợ phí thì chỉ được đi một thang máy. Nếu Ban quản lý tòa nhà áp dụng thì xâm phạm đến quyền của cư dân, đồng thời liên quan đến an toàn của khu chung cư. Quy định một thang máy vận hành cho toàn bộ các căn hộ chưa đóng phí thì sẽ không đảm bảo an toàn, nếu xảy ra việc gì thì Ban quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu cư dân bị áp dụng thật thì có thể yêu cầu UBND phường, Công an phường vào can thiệp về hành vi hạn chế quyền của cư dân. Thang máy là tài sản sở hữu chung, khi người dân mua nhà là có quyền sở hữu thang máy, Ban quản lý không có quyền hạn chế cư dân sử dụng tài sản, tiện ích sở hữu chung”.

Hiện, sự việc vẫn đang gây ra rất nhiều những tranh cãi trái chiều.