Grab đề nghị shipper được phép giao hàng ở Hà Nội trong thời gian giãn cách
Công ty TNHH Grab, đơn vị vận hành ứng dụng Grab, vừa có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội nêu ý kiến về công văn yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe môtô hai bánh (xe ôm công nghệ).
Doanh nghiệp cho biết, sau khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17, Grab đã tạm dừng kết nối các hoạt động vận chuyển qua ứng dụng. Ứng dụng này cũng thường xuyên đề nghị các tài xế đối tác tuân thủ đầy đủ hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng về phòng chống dịch COVID-19, bao gồm việc tuân thủ thông điệp 5K.
Trên thực tế, các dịch vụ của ứng dụng như GrabFood, GranMart, GrabExpress cùng các tài xế đối tác đã hoạt động không ngừng nghỉ để cung cấp tận tay lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, bao gồm cả Hà Nội. "Các dịch vụ trên không chỉ đóng góp vào việc lưu thông, luân chuyển hàng hóa thiết yếu mà còn đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống dịch bệnh vì đã giúp người dân an tâm tiếp cận nguồn nhu yếu phẩm mà không phải ra khỏi nhà và tập trung đông người khi mua sắm", Grab khẳng định.
Phía Grab cho rằng việc duy trì hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp với Chỉ thị 17 về việc "Tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân" và phù hợp với định hướng của Sở Công Thương Hà Nội trong việc tăng cường, khuyến khích tiêu dùng, mua sắm online.
Phía Grab cho rằng việc duy trì hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp với Chỉ thị 16 của Hà Nội. (Ảnh: Internet) |
Với thế mạnh về công nghệ và vận hành, Grab khẳng định có đủ năng lực thực thi phương án hoạt động dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu qua ứng dụng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Điều đáng nói là công văn mới của Sở GTVT Hà Nội ra ngày 24/7 lại yêu cầu 5 ứng dụng là Grab, Gojek, Be, MyGo và FastGo dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong khi còn có rất nhiều đơn vị khác cùng cung cấp dịch vụ này trên địa bàn Hà Nội.
"Chúng tôi cho rằng đây là một quy định chưa hợp lý và thiếu nhất quán với chính sách hiện hành của Nhà nước trong việc tạo lập, duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, cũng như có thể gây hiểu nhầm không đáng có về chủ trương của thành phố", Grab nêu trong công văn. Do đó, Grab đề nghị Sở GTVT xem xét áp dụng các quy định một cách thống nhất cho toàn bộ thị trường.
Ngoài việc chia sẻ về lợi ích của dịch vụ giao hàng qua ứng dụng công nghệ như đảm bảo giãn cách chống dịch COVID-19, tăng cường lưu thông hàng hóa. Grab cũng khẳng định lực lượng tài xế của doanh nghiệp đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo chỉ nhận đơn hàng thiết yếu.
"Các đối tác tài xế thường xuyên được nhắc nhở về việc chỉ nhận giao hàng thiết yếu, được yêu cầu kiểm tra hàng lúc nhận đồ giao đi và sẽ từ chối khách nếu hàng gửi đi không phải là nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày", văn bản của Grab nêu rõ.
Theo Grab Việt Nam, do yêu cầu về giãn cách, đội ngũ quản lý chất lượng của Grab không thể kiểm tra đột xuất tài xế tại hiện trường. Thay vào đó, Grab liên tục gọi điện xác minh ngẫu nhiên tới người tiêu dùng về quy trình hoạt động của tài xế. Mặt khác, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra hoạt động của đội ngũ shipper thông qua các giấy tờ, bằng chứng của tài xế. Nếu tài xế không chứng minh được hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu sẽ bị xử phạt, đồng thời Grab sẽ nhắc nhở hoặc tạm ngưng kết nối dịch vụ.
Grab cũng đang áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn, chẳng hạn như yêu cầu đối tác giao hàng đo thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày trước khi hoạt động; Bắt buộc tài xế đeo khẩu trang trong suốt quá trình hoạt động, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, tuân thủ quy định giãn cách (giữ khoảng cách tối thiểu 2m) tại nơi nhận đơn và khi giao đơn cho người dùng. Khuyến khích người dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt và “Giao hàng gián tiếp" khi nhận hàng hóa, thực phẩm từ đối tác tài xế.
Ngày 24/7, khi quyết định tạm cấm hoạt động của các shipper công nghệ, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giải thích rõ: Thành phố chỉ cấm đội ngũ shipper của các ứng dụng công nghệ vì hiện lực lượng này không ai quản lý. Đối với đội ngũ nhân viên chuyển phát của các doanh nghiệp bưu chính (bưu tá – PV) và lực lượng giao nhận của các siêu thị có cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm nên không bị cấm, vẫn được cho phép hoạt động.
Sở GTVT cũng có hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, các siêu thị đăng ký danh sách nhân viên được phép vận chuyển, giao nhận hàng hóa thiết yếu. Theo đó, chỉ những nhân viên giao nhận hàng hóa thiết yếu, bưu tá được Sở GTVT chấp thuận bằng tin nhắn mới đủ điều kiện hoạt động giao nhận khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu có hay không việc hình thành một loại “giấy phép con” mới có thể gây những tác động tiêu cực đến các ứng dụng xe công nghệ đang hoạt động trên thị trường.