Góc nhìn luật sư: Review, bóc phốt sản phẩm, dịch vụ chưa được chứng thực có thể bị khởi tố hình sự

Nghề review đang ngày càng trở lên “hot” trong thời đại 4.0. Trong những năm vừa qua ở khắp các nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook, youtube.... và cũng tạo ra những KOL, KOC không chuyên.

Những review từ các người có sức ảnh hưởng này trên mạng xã hội phần nào cũng giúp cho các chủ của hàng, thương hiệu có lợi khi được nhiều người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao hơn về chất lượng và dịch vụ. Tuy nhiên làn sóng “nghề review” sản phẩm, dịch vụ nở rộ cũng là lúc những thông tin tiêu cực tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Việc các KOL, KOC không chuyên này đưa ra các nhận định, chia sẻ dựa trên cảm quan cá nhân phần nào tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, sản xuất và trực tiếp tạo ra các làn sóng “tẩy chay” ở người tiêu dùng.

Mới đây, khi xem được video của một nam TikToker mới nổi review quán ăn của mình, Độ Mixi – một chủ cửa hàng ăn đã phải "đứng hình" ngay từ những giây đầu tiên. Ngay từ đầu clip, nam TikToker này đã sử dụng ngôn từ đậm chất "gây war" như quán ăn "đông trẻ trâu" kèm theo câu nói tục tĩu.

Độ Mixi chia sẻ: "Những video kiểu này ngay từ đoạn đầu tôi đã cảm thấy rằng người ta muốn làm như thế. Để có tính tương tác qua lại, để nó gây ý kiến trái chiều. Sau này như thế nào thì tôi không biết nhưng công thức nổi tiếng thường thì sẽ là: thu hút, tẩy trắng, tiếp đó là tôi đã lớn, trưởng thành và va vấp nhiều nên sẽ trở thành người như thế này thế kia. Đấy là công thức chung nhưng có vẻ công thức này ngày càng bị làm quá lên rồi".

Anh nói thêm: "Ở thời điểm bây giờ, nếu như hỏi những người làm chủ quán ăn như chúng tôi có sợ các bạn đến review không thì tôi xin trả lời luôn là sợ. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn các bạn đến review, việc review sẽ giúp đẩy quán ăn lên rất nhanh. Thế nhưng, review cũng có nhiều kiểu người. Nhiều khi tôi sợ hơn là muốn, nhất là những kiểu người như thế này".

Độ Mixi cảm thấy sợ TikToker đến review quán ăn của mình.
Độ Mixi cảm thấy sợ TikToker đến review quán ăn của mình.

Hay trước đó không lâu, một số TikToker "ngáo quyền lực" như Nờ Ô Nô. Các video review đồ ăn của người này thường "không giống ai", sử dụng những lời lẽ, hành vi thô tục và phản cảm. Nờ Ô Nô từng là "nỗi ám ảnh kinh hoàng" của nhiều nhà hàng, quán ăn, trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo.

Ngoài ra, TikToker Cô gái có râu cũng gây xôn xao khi đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về quán chè C.H. Loạt video căng thẳng giữa nam TikToker và quán chè tạo nên một cơn sốt, song vấp phải tranh cãi gay gắt từ cộng đồng mạng.

Cùng đó, TikToker Võ Hà Linh sau những video review đã vướng phải làn sóng chỉ trích khi có những review khá gắt về các quán ăn. Sau một thời gian gây tranh cãi, cô đã phải đăng tải video xin lỗi và tuyên bố ngừng việc review quán ăn và sẽ chỉ tập trung vào mỹ phẩm.

Góc nhìn luật sư: Review, bóc phốt sản phẩm, dịch vụ chưa được chứng thực có thể bị khởi tố hình sự

Có thể thấy, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cảm thấy lo sợ khi thương hiệu của mình xuất hiện trên TikTok, sợ các Tiktoker đến review. Để tránh vướng vào những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhiều cửa hàng phải thông báo từ chối tiếp các reviewer.

Hai nhóm chuyên review, gồm KOL (Key Opinion Leader - người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt). KOL là những chuyên gia có kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực khác nhau, tham gia vào quá trình tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. KOC là những người chuyên review sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực,… để kích thích người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm.

Vậy các KOL, KOC hay các cá nhân tổ chức khi “review” thiếu chân thực lên mạng xã hội liệu có bị xử lý?

Trao đổi vấn đề này với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Pháp luật Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng trong khuôn khổ pháp luật. Với quy định này rõ ràng công dân phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến những phát ngôn, bài viết, nội dung phản ánh của mình. Nếu việc phát ngôn trái quy định pháp luật, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản thì tùy mức độ sẽ bị pháp luật xử lý.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người hiểu sai và tùy tiện review, bóc phốt lên mạng xã hội khi quan điểm cá nhân cho rằng món ăn không ngon nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của mình bất chấp hậu quả, thiệt hại cho chủ quán. Hành vi bóc phốt, review này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, mà chưa được chứng thực, xác thực, kết luận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định pháp luật, nếu bạn cho rằng món ăn đó xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn thì về nguyên tắc bạn có quyền khởi kiện, tố cáo hoặc trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật. Vì hành vi này có thể chủ quán sẽ bị thiệt hại về uy tín, danh dự, thiệt hại về doanh thu, tài sản.

Căn cứ theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt có thể từ 10 triệu đến 20 triệu. Trường hợp gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến quán ăn thì có thể bị khởi tố về hành vi Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật hình sự".