Giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030
Theo nghiên cứu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mức tăng nồng độ khí mê-tan trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau CO2. Trong mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,1°C thời gian qua có 0,3°C đóng góp từ khí mê-tan. Tổng lượng phát thải khí mê-tan toàn cầu năm 2019 vào khoảng 9,8 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trên tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 59,1 tỷ tấn CO2tđ. Mức phát thải khí mê-tan toàn cầu giai đoạn 2010-2019 đã tăng khoảng 1,2% mỗi năm và chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26 đã có 103 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu |
Chính bởi nguy cơ từ khí mê-tan đối với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu, "Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu" là sáng kiến do Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ khởi xướng, đưa ra Hội nghị COP26 nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris về BĐKH. Đó là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2ºC, hướng tới hạn chế ở ngưỡng 1,5ºC vào cuối thế kỷ 21 thông qua kêu gọi các quốc gia thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan mạnh mẽ hơn.
Tại Hội nghị COP26 đã có 103 quốc gia, đóng góp 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu, đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020. Trong 103 quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Đến nay, con số trên đã tăng lên 119 quốc gia đã tham gia Cam kết.
Nhằm thể hiện động thái mạnh mẽ từ phía Việt Nam, ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu. Đây được xem là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Ở nước ta, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí). Theo số liệu kiểm kê, tổng lượng khí mê-tan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 111,3 triệu tấn CO2tđ.
Theo kế hoạch hành động, Việt Nam cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Ở nước ta, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt rơm rạ và nhiều nguồn khác |
Kế hoạch hành động được ban hành với 3 quan điểm chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, giảm phát thải khí mê-tan nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân; quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, giảm phát thải khí mê-tan phải dựa trên phân tích chi phí - lợi ích, được tiến hành thường xuyên theo lộ trình, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Thứ ba, giảm phát thải khí mê-tan là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và cơ quan quản lý nhà nước với sự tham gia, giám sát của nhân dân, chủ động và tích cực hợp tác quốc tế.
Cùng với đó là các mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2tđ, giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.
Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết mạnh mẽ tại COP26 |
Việt Nam tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu vừa thể hiện được vai trò và trách nhiệm của quốc gia tham gia vào nỗ lực đạt mục tiêu Thỏa thuận Paris, qua đó ngăn ngừa diễn biến cực đoan của BĐKH toàn cầu, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ người dân.
Động thái này phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế”.