Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của ngành du lịch, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL cũng không đứng ngoài cuộc.

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói về vấn đề giá vé máy bay tăng cao phần nào đã ảnh hưởng tới ngành du lịch. Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói về vấn đề giá vé máy bay tăng cao phần nào đã ảnh hưởng tới ngành du lịch. Ảnh: PHẠM THẮNG

Để hỗ trợ các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu cho Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn để thu thập thông tin, phân tích dữ liệu. Qua ý kiến của các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp… cho thấy, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay thường chiếm 30-40%, vì vậy khi giá vé máy bay tăng cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.

Bộ trưởng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng không nhiều như trước.

Bộ VH-TT&DL đã đề xuất và đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour.

Đối với các hãng hàng không, Bộ đề xuất các doanh nghiệp cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm, các khung giờ bay để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung và du khách nói riêng.

Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành. “Các đề xuất đã được xem xét chấp thuận,” ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 28/5 vừa qua, giá vé tại các tuyến đã giảm nhiệt. Ông cho rằng, lĩnh vực này phải quán triệt quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ".

“Tôi cho rằng, khi vấn đề được nêu lên, ngồi lại bàn bạc, tính toán, xem xét, tối ưu hóa các lợi nhuận. Đặc biệt, quán triệt quan điểm của Thủ tướng là “lợi ích phải hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ” cho nên hàng không, các điểm đến du lịch và các ngành kinh tế khác đã có sự ngồi lại để tính toán. Vừa qua đã có kết quả bước đầu”, ông Hùng nói.