Giá vàng ngày 24/1

Giá vàng thế giới sáng nay dao động quanh 1.835 USD/ounce.

Lúc 9h sáng nay giá vàng thế giới là 1.836,70 USD, giảm nhẹ 0,10 USD (0,01%).

Tâm lý lạc quan trên thị trường vàng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2018 là cơ hội cho giá vàng thế giới tăng tiếp.

Các nhà phân tích cho rằng vàng đang tăng mạnh khi các nhà đầu tư bắt đầu chú ý hơn đến mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng, biến động tăng dần trên thị trường chứng khoán và bất ổn địa chính trị mà cụ thể là căng thẳng giữa Nga và Mỹ tiếp tục nóng lên.

Triển vọng tăng giá xuất hiện khi giá vàng kết thúc tuần giao dịch vừa qua trên mức giá đột phá quan trọng 1.830 USD/ounce sau khi tăng gần 1% trong tuần.

Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo dự đoán giá vàng thế giới có thể phá vỡ mốc 1.850 USD trong những phiên tới.

Đối với nhiều nhà phân tích, động lực lớn nhất với vàng vẫn là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đang trở nên quyết liệt hơn mỗi ngày.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng kỳ vọng của thị trường đang quá cao và ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy lùi những kỳ vọng đó trong cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày trong tuần này.

Trước đó, kết quả khảo sát diễn biến giá vàng thế giới tuần này do Kitco News thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ xu hướng tăng giá đã vọt lên rất cao.

Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên tăng từ 58% tuần trước lên 89% tuần này; Tỷ lệ chuyên gia dự báo giá vàng giảm sụt giảm từ 19% về 11% và tuần này không có chuyên gia nào giữ quan điểm trung lập.

Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia khảo sát cũng tăng lên cao nhất kể từ tháng 11/2021 cùng với tỷ lệ nhà đầu tư ủng hộ xu hướng tăng giá cũng vọt lên 71%; Tỷ lệ dự đoán giá vàng giảm chỉ còn 17%; Còn lại tỷ lệ cho rằng giá vàng đi ngang là 12%.

Thị trường sẽ tập trung sự chú ý vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 25-26/1.

Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ ngày 24/1: Giá vàng tiến sát mốc 62 triệu đồng/lượng

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h30 sáng nay, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 61,25-61,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 670.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 61,32-61,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 30.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 20.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 500.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 61,15-61,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 700.000 đồng/lượng.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 24/1

Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm về mức 95,64.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ cách đây một tháng và điều này được các nhà kinh tế xem là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong năm tới.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ, các ngân hàng trung ương thế giới và các cơ quan tài chính giúp thế giới tránh một cuộc đại suy thoái khác.

Trong năm 2022, việc có được các chính sách linh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều yếu tố như lạm phát dai dẳng, mức nợ tài khóa kỷ lục và tình hình dịch Covid-19 kết hợp gây trở ngại phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách.

Tổng giám đốc IMF cảnh báo quá trình này đang mất đà trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và mức nợ công kỷ lục hiện đã vượt quá 26.000 tỷ USD.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết trong cuộc khủng hoảng Covid-19, các chính sách tài khóa và tiền tệ đã cùng phát huy hiệu quả giúp ứng phó với đại dịch.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kuroda Haruhiko cho biết Nhật Bản đã tương đối thành công trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19, mặc dù phục hồi kinh tế vẫn còn chậm.

Theo ông, nợ khu vực công ở Nhật Bản hiện đã hơn 200% GDP, nhưng chính phủ dự kiến thặng dư ngân sách sẽ trở lại từ năm 2025, nợ công sẽ giảm xuống.

Ông đánh giá chính sách tiền tệ mà BOJ áp dụng là phù hợp và hoạt động tốt, giúp nền kinh tế Nhật Bản dần trỗi dậy. Dự kiến, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản khoảng 1% vào năm 2022.

Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ ngày 24/1: Giá vàng tiến sát mốc 62 triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.077 VND/USD, giảm mạnh 23 đồng so với mức niêm yết hôm qua.

Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 22.470 – 22.530 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 22.740 – 22.805 VND/USD.

Trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 23.480 - 23.530 VND/USD.