Sau khi lập đỉnh lịch sử, chiều ngày 11/2 giá vàng SJC bất ngờ giảm mạnh tới 2,1 triệu đồng và xuống 90,7 triệu đồng mỗi lượng.
Theo ghi nhận, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/2, giá vàng trong nước đã rơi tự do từ đỉnh lịch sử gần 93 triệu đồng/lượng về mốc 90 triệu đồng/lượng.
Cụ thể: Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty Phú Quý và Công ty Doji cùng niêm yết giá vàng SJC từ 88,20-90,70 triệu đồng/lượng, giảm 2,1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 999.9 sau khi tăng lên 91,2 triệu đồng vào tầm trưa nay thì phiên chiều đang giao dịch quanh mức 88-90,50 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng ở chiều mua vào, còn chiều bán ra ở mức bằng phiên sáng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng nhẫn niêm yết từ 88,30-90,80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1,1 triệu đồng so với phiên sáng.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết vàng nhẫn là 88,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 90,65 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn cuối ngày hôm trước 100.000 đồng/lượng (chiều mua) và 450.000 đồng/lượng (chiều bán).
Hiện Công ty Bảo Tín Minh Châu đang thông báo giá vàng nhẫn tròn trơn từ 88,5-90,85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 400.000 đồng mỗi lượng.
Trước đó, sáng 11/2, giá vàng trong nước tăng tới gần 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn lần đầu tiên vượt mốc 93 triệu đồng/lượng, lập mức kỷ lục mới lần lượt tại mức 93,1 triệu đồng/lượng và 93,05 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn giảm tới 2,4 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh lịch sử.
Giá vàng trong nước giảm bởi giá kim loại quý thế giới sau khi tăng mạnh đã hạ nhiệt. Lúc 16h30, giá vàng quốc tế giao dịch tại mức 2.912,7 USD/ounce thay vì mức 2.933,5 lúc gần 9h sáng cùng ngày.
Giá vàng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào thứ Ba do nhu cầu trú ẩn an toàn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các mức thuế mới đối với nhập khẩu thép và nhôm, làm gia tăng nguy cơ lạm phát và leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trước đó trong phiên, kim loại quý này đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.942,7 USD/ounce. Giá vàng cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục thứ tám kể từ đầu năm 2025 đến nay, khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn xung quanh chính sách thương mại của Mỹ.
"Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang gây áp lực lên giao dịch vàng vật chất và thúc đẩy các thị trường tài chính tăng cường nắm giữ vàng như một phần của xu hướng mà có thể tạm gọi là phi đô la hóa," Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính tại Capital.com nhận định.
Chuyên gia phân tích thị trường Alex Kuptsikevich của FxPro dự báo, đợt tăng giá của vàng mới chỉ bắt đầu và mức 3.000 USD/ounce chỉ là sự khởi đầu. Ông dự báo, giá kim loại quý có khả năng đạt mức 3.400 USD/ounce từ tháng 8-10 năm nay.
Adrian Day thậm chí dự báo giá vàng sẽ đạt 3.500-4.000 USD/ounce trong 12 tháng tới và nhấn mạnh "đây chỉ là thời kỳ đầu của kim loại quý trước khi bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới".
Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng lại được điều chỉnh tăng mạnh tới trên 100 đồng/USD.
Ngân hàng Vietcombank điều chỉnh tỷ giá USD lên mức 25.290-25.680 đồng/USD, tăng 110 đồng; Ngân hàng BIDV và VietinBank mua vào là 25.330 đồng/USD và bán ra là 25.690 đồng/USD, tăng 120 đồng so với phiên sáng.
Ngân hàng Eximbank cũng điều chỉnh tăng tới 145 đồng, hiện ngân hàng này niêm yết tỷ giá USD từ 25.295-25.715 đồng/USD (mua vào/bán ra).
© thitruongbiz.vn