Hiện tại giá dừa xiêm xanh bán tại vườn dao động từ 170.000 đến 180.000 đồng mỗi chục (12 trái), tăng hơn 50.000 đồng/chục so với tháng trước và gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Giá dừa tươi và dừa khô đang được bán ở mức giá cao nhất từ trước đến nay tại nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Theo một số thương nhân, nhà vườn cho biết giá dừa dao động từ 150.000-170.000 đồng/12 quả dừa tươi và 200.000-210.000 đồng/12 quả dừa khô.
Nguyên nhân là do cầu vượt cung, các thương lái phải săn tìm đến tận vườn để thu mua. Các nhà vườn cho biết, năng suất cây dừa vào mùa khô này đang giảm do ảnh hưởng của hạn mặn các năm trước và sâu bệnh tấn công.
Nhiều thị trường như Mỹ và Trung Quốc cũng đang tìm kiếm dừa Việt Nam. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay của nước ta có thể đạt khoảng 500 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Được, thương lái thu mua dừa ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm cho hay, để có thể thu mua được dừa phải vào tận vườn để “săn lùng” mới có, tuy nhiên do dừa đang “treo” nên sản lượng rất ít.
Việc giá dừa tăng cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân trồng dừa tại Bến Tre. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa đang đối mặt với áp lực chi phí nguyên liệu tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, giá dừa dự kiến sẽ duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế và nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao. Do đó, để ổn định thị trường và đảm bảo lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nông dân trong việc phòng chống sâu bệnh, cải thiện kỹ thuật canh tác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre Huỳnh Quang Đức, để giá dừa bền vững, doanh nghiệp ngành dừa cần tăng cường chế biến, xuất khẩu để tạo ra những mặt hàng có giá trị cao; đồng thời xây dựng mã vùng trồng cho dừa, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất hữu cơ.
Hiện tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện tỉnh có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với diện tích hơn 10.094 ha. Riêng dừa uống nước có 12 tổ hợp tác, 3 mã vùng trồng nội địa, với diện tích gần 120 ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) Bến Tre đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha. Tỉnh hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, dừa uống nước có các giống như xiêm xanh, xiêm đỏ, xiêm lục… trồng chuyên canh tập trung trên địa bàn tỉnh, với nhiều đặc tính nổi trội như năng suất cao, nước ngọt thanh, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Diện tích trồng dừa của tỉnh Bến Tre khoảng 80.000 ha, với sản lượng gần 700.000 tấn; trong đó, dừa uống nước chiếm hơn 20%, khoảng 16.000 ha, với sản lượng bình quân khoảng 400 triệu trái/năm.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho hay, để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành nông nghiệp đã kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan cùng các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã; đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã , người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ... Hơn nữa, việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới cũng như tạo ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho các địa phương chủ lực về dừa; trong đó, có tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, dừa tươi Tiền Giang đã được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu chiều ngày 24/10/2024 do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Công ty cổ phần FADOexport với 3 container với gần 70 tấn dừa tươi, bằng đường sắt liên vận quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho mặt hàng dừa có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-loai-trai-cay-giai-khat--dua-tuoi-tang-cao-ky-luc-d28406.html
© thitruongbiz.vn